Du lịch
Du lịch biển đảo - “mỏ vàng” mới chỉ khai thác khoảng 20%
Hồ Hạ - 08/05/2023 13:12
Du lịch biển đảo là trụ cột trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo của ngành kinh tế xanh, là “thỏi nam châm” hấp dẫn trên 70% du khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán phát triển du lịch biển đảo đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết.
Việt Nam có nhiều lợi thế về du lịch biển đảo, nhưng khai thác chưa tương xứng tiềm năng

“Thỏi nam châm” hấp dẫn du khách

Là người tâm huyết và có nhiều đề tài nghiên cứu về phát triển du lịch biển đảo, PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, Việt Nam là quốc gia biển, với 3.260 km bờ biển, 28 tỉnh, thành phố hướng mặt ra biển, 12 huyện đảo và hơn 3.000 đảo, gần 400 bãi biển. Các điểm đến biển đảo hấp dẫn của Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam, nhiều bãi tắm, vịnh, đảo được vinh danh hàng đầu thế giới. Đơn cử, vịnh Hạ Long được vinh danh là một trong 7 kỳ quan di sản mới của thế giới. Đảo Phú Quốc trong top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2023, do Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn. Bãi biển Đà Nẵng là một trong 60 bãi biển đẹp nhất thế giới...

“Không phải ngẫu nhiên, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng, du lịch biển đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam. Còn trong Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh, du lịch và dịch vụ biển là nội dung ưu tiên hàng đầu trong 6 đột phá về kinh tế biển đến năm 2030. Bởi vậy, phát triển du lịch biển đảo chính là mỏ vàng của ngành kinh tế xanh”, ông Long khẳng định.

Theo PGS-TS. Phạm Hồng Long, Việt Nam có 4 dòng sản phẩm du lịch chính, đó là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch đô thị. Cần tập trung xây dựng 4 thương hiệu này của du lịch Việt Nam và truyền thông, quảng bá ra mạnh mẽ ra thế giới. Để làm được điều này, phải có những chiến dịch của Nhà nước, trong đó, du lịch biển đảo được quan tâm và ưu tiên hơn.

Ở góc độ kinh doanh dịch vụ lữ hành và du thuyền tại nhiều vùng vịnh, doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group cho biết, theo thống kê, trên 70% khách quốc tế chọn du lịch biển đảo; 23% tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế đến các đảo; 28 tỉnh, thành phố giáp biển đóng góp 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành. “Qua thực tế kinh doanh dịch vụ du thuyền tại vịnh Lan  Hạ, vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang và sắp tới là Phú Quốc, chúng tôi nhận thấy, du khách trong nước và quốc tế có nhu cầu nghỉ dưỡng biển đảo rất lớn, đặc biệt, hậu Covid-19, xu hướng về với biển đảo, thiên nhiên để “bồi bổ” cho thân, tâm và tuệ càng lớn. Nhưng chúng ta mới chỉ khai thác được một phần nhỏ giá trị biển đảo để phát triển du lịch”, ông Phạm Hà nói.

Ông Phạm Hồng Long cũng cho rằng, Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 20% bãi biển dọc đất nước, tập trung chủ yếu ở những điểm đến đã phát triển du lịch từ lâu như vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc. Điều này khiến dịp cao điểm, những vùng biển này bị quá tải, kéo theo nhiều hệ luỵ về văn hóa kinh doanh, suy thoái môi trường, xung đột về sử dụng tài nguyên biển, lạm phát giá… Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch nói chung, cho du lịch biển đảo nói riêng thời kỳ hậu Covid-19 thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác. Đặc biệt, Việt Nam chưa có những sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp và xứng tầm để vừa tăng giá trị doanh thu, vừa phát triển bền vững.

Định vị thương hiệu điểm đến

Lý giải nguyên nhân chưa khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo, ông Phạm Hà chỉ ra, các chính sách hiện nay chưa thực sự tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại vùng biển, đảo. “Đơn cử, khi đầu tư du thuyền Emperor tại Nha Trang, chúng tôi mất nhiều thời gian, chi phí để xin được 18 loại giấy phép của rất nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Việc xin giấy phép đầu tư du thuyền tại Phú Quốc cũng gặp khó khăn tương tự”, ông Hà dẫn chứng và nhấn mạnh, điều này khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn để tạo ra những trải nghiệm mới, giàu cảm xúc cho khách hàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm du lịch tại các vùng biển đảo na ná nhau, chưa tạo được bản sắc đặc trưng của mỗi điểm đến.

Hiện nay, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển mới chiếm khoảng 2% tổng lượng khách, còn rất nhiều dư địa để khai thác. Song, chúng ta chưa có những tàu du lịch lớn quy mô vài ngàn chỗ để phục vụ du khách Việt đi du lịch bằng đường biển ở cả trong nước và ra nước ngoài. Chưa có tour đưa khách nước ngoài du lịch Việt Nam bằng đường thủy. Đơn giản hơn, Lux Group vạch ra kế hoạch tổ chức tour khám phá dọc ven biển Việt Nam từ Bắc vào Nam, nhưng cũng chưa thể kết nối được. Thậm chí, vịnh Lan Hạ và vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long liền kề nhau, nhưng vẫn chưa thể liên thông do ở địa phận 2 tỉnh khác nhau…

Do đó, Chủ tịch Lux Group cho rằng, ở góc độ quản lý vĩ mô, cần có chiến lược, kế hoạch khai thác du lịch biển đảo hài hòa và bền vững hơn. Đặc biệt, cần có một cơ quan “tổng chỉ huy” đủ tầm, đủ tiếng nói để điều tiết các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch nói chung, du lịch biển đảo nói riêng.

Một vấn đề cũng được nhiều doanh nghiệp lữ hành lưu ý, hậu Covid-19, du khách có trách nhiệm hơn, họ sẽ không đến những nơi nhiều rác thải, không sạch đẹp. Vì thế, công tác quản lý điểm đến của chính quyền địa phương cần phải triển khai hiệu quả, quyết liệt. Các địa phương có thể tham khảo quy định cấm dùng đồ nhựa, túi ni-lông của Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Hay Đà Nẵng xây dựng cống lọc nước thải trước khi đổ ra đại dương. Những đảo như Phú Quốc, Côn Đảo… cần phải có nhà máy xử lý rác thải.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, 50% khách du lịch trên toàn cầu lựa chọn các điểm đến biển đảo. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc phát triển du lịch biển đảo đa dạng, hài hòa, bền vững để định vị thương hiệu và khai thác “mỏ vàng” này hiệu quả, bền lâu.

Tin liên quan
Tin khác