Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bức tranh doanh nghiệp trong những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng kỷ lục.
Thưa ông, quý I đã kết thúc, bức tranh doanh nghiệp quý I/2022 đã có thể hình dung ra sao?
Thông tin đang rất tích cực. Có thể nói, các hoạt động kinh doanh bình thường đang trở lại mạnh mẽ.
Quý I hàng năm thường là thời điểm các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới. Số liệu đăng ký kinh doanh quý I vì vậy phản ánh khá rõ nét xu hướng hoạt động của doanh nghiệp trong năm.
Chúng tôi đã ghi nhận những gam màu tươi sáng trong bức tranh đăng ký kinh doanh quý I/2022 với những kỷ lục mới.
Nổi bật là con số 60.178 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là con số kỷ lục về doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I từ trước đến nay, gấp 1,5 lần so với trung bình quý I giai đoạn 2017-2021, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Số doanh nghiệp tái gia nhập thế nào có lẽ là điều mà nhiều người quan tâm sau 2 năm nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động? Các doanh nghiệp ngành du lịch, khách sạn, lưu trú thì sao, thưa ông?
Con số này là 25.588 doanh nghiệp, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường cao nhất trong quý I từ trước đến nay, gấp 2,1 lần mức doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trung bình trong Quý I giai đoạn 2017-2021.
Trong số này, gần 1.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống trở lại, tăng 105,4%. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cũng có 556 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 96,5%.
Ngành du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn với chính sách nới lỏng điều kiện nhập cảnh cho khách quốc tế. Các trường học đã mở cửa đón học sinh. Các hoạt động dịch vụ phục vụ đời sống xã hội đã trở lại bình thường...
Đặc biết, trong bức tranh sáng màu này, có tác động không nhỏ của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 mà Chính phủ đang rốt ráo thực hiện.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn các giải pháp sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lý trong tháng 3 này, như gói cấp bù lãi suất 2%, gói gia hạn nộp một số loại thuế, phí... Việc thực thi sẽ bắt đầu ngay sau khi ban hành.
Việc tuân thủ tính thống nhất trong các giải pháp phòng chống dịch ở các bộ, ngành, địa phương cũng rất rõ.
Như vậy, có thể nói hoạt động kinh doanh đang trong bối cảnh, điều kiện hồi phục với tốc độ rất nhanh và các doanh nghiệp đã có kế hoạch đón đầu...
Đây cũng là lý do số doanh nghiệp thành lập mới là 34.590 doanh nghiệp, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong Quý I từ trước đến nay. Tại Hà Nội và TP.HCM, số doanh nghiệp thành lập mới cũng khởi sắc dù số ca nhiễm mới của Hà Nội đang cao nhất cả nước.
Du lịch mở cửa là lý do các doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú, ăn uống trở lại nhanh. |
Cụ thể, các doanh nghiệp mới tập trung vào lĩnh vực nào, thưa ông?
Có 14/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021. Có thể nhắc đến các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản tăng 47,2%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 39,3%; Vận tải kho bãi (tăng 32,5%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tăng 25,1%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 22,6%...
Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 12.285 doanh nghiệp (chiếm 35,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 4.534 doanh nghiệp (chiếm 13,1%); Xây dựng có 4.028 doanh nghiệp (chiếm 11,6%).
Tất nhiên, khó khăn vẫn còn, thể hiện qua số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể trong Quý I/2022 còn cao. Sự gia tăng của Quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước chủ yếu đến từ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 1/2022. Thông lệ, tháng 1 thường là thời điểm ghi nhận số doanh nghiệp tạm ngừng hoặc dịch chuyển các kế hoạch kinh doanh cao hơn, khi năm tài chính kết thúc, các doanh nghiệp sẽ phải hoàn tất các thủ tục theo quy định...
Việc đẩy nhanh tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thời điểm này sẽ là cú hích rất lớn, tiếp sức cho doanh nghiệp.