Vị trí trận động đất xảy ra vào ngày 10/5 tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu |
Viện Vật lý địa cầu vừa công bố báo cáo kết quả khảo sát động đất tại Kon Tum, sau hơn 10 ngày làm việc của Đoàn kỹ thuật và Đoàn liên ngành Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Các nhà khoa học nhận định bước đầu, động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum thời gian qua là động đất kích thích do hoạt động của hồ chứa. Động đất kích thích xảy ra khi hồ chứa thủy điện hoặc thủy lợi hoạt động tích nước, tạo sức ép lên hệ thống đứt gãy bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.
Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 đến nay với hàng trăm trận. Hiện tượng này có thể kéo dài vài năm, thậm chí vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định, kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết, đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực. Vì vậy, cần có thêm nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
Đoàn khảo sát kiến nghị cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Cụ thể, Đoàn đề nghị sớm phê duyệt và triển khai “Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra” với các nội dung chính là làm rõ nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận; mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa; dự báo xu thế hoạt động động đất; đánh giá độ nguy hiểm và xây dựng các kịch bản ứng phó có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.
Quá trình triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị quản lý khai thác thuỷ điện trên địa bàn.
Mấy ngày qua, động đất vẫn diễn ra liên tục tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Có ngày, tại huyện này ghi nhận đến 3 trận động đất. Mới nhất, vào lúc 11 giờ 17 phút 44 giây (giờ Hà Nội) ngày 10/5/2022, một trận động đất có độ lớn 2,9 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.899 độ vĩ Bắc, 108.168 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km đã xảy ra tại huyện này.
Trước đó, ngày 26/4/2022, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp đồng chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Vật lý địa cầu cùng các đơn vị của Bộ Xây dựng: Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Vụ Khoa học - Công nghệ và môi trường, Viện Khoa học công nghệ xây dựng và các chuyên gia.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo kết quả kiểm tra hiện trường và số liệu khảo sát trong thời gian qua, Thứ trưởng Lê Quang Hùng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cùng thống nhất kết luận: Theo kết quả khảo sát của Viện Vật lý địa cầu, báo cáo của Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Viện khoa học công nghệ xây dựng và các chuyên gia, cho đến ngày 26/4/2022, đánh giá cường độ động đất tại huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum chưa đến mức độ nghiêm trọng và chưa gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng. Tuy nhiên, chưa đủ cơ sở để dự báo xu hướng diễn biến và nguyên nhân của động đất.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại văn bản 2502/VPCP-NN ngày 21/4/2022 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Kon Tum cùng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, mức độ nguy cơ ảnh hưởng của động đất và công bố đề chính quyền, nhân dân được biết.
Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Kon Tum cũng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu trong khoảng 15 ngày tới cần đưa ra thông số về động đất để có cơ sở kiểm toán an toàn công trình xây dựng, công trình hổ đập tại khu vực có ảnh hưởng của động đất tỉnh Kon Tum.
Về lâu dài trong thời hạn 6 tháng cũng cần công bố cụ thể các thông số cực đại về động đất để lồng ghép vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn làm cơ sở việc tính toán kết cấu cho các công trình xây dựng trên địa bàn.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cùng với UBND tỉnh Kon Tum thống nhất đề nghị Bộ Công thương theo chức năng quản lý nhà nước hướng dẫn, chỉ đạo UBND Tỉnh Kon Tum chỉ đạo theo thẩm quyền các chủ đập thủy điện trên địa bàn tổ chức kiểm tính lại an toàn đập trên cơ sở các giá trị dữ liệu động đất do Viện Vật lý địa cầu công bố, xây dựng phương án ứng phó sự cố khi có bất thường xảy ra.
Trong thời gian chưa có dữ liệu chính thức từ Viện Vật lý địa cầu, Bộ Công thương cần yêu cầu các chủ đập thủy điện tổ chức kiểm tính ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau và các mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường để có quy trình vận hành hồ chứa tạm thời ứng phó với thực tế động đất trước khi có công bố của cơ quan chuyên môn; chỉ đạo các chủ đập tổ chức lắp đặt các thiết bị đo gia tốc nền tại công trình để có số liệu chính xác tính toán ảnh hưởng động đất tới công trình đập; các chủ đập rà soát lại thủ tục pháp lý về nghiệm thu các công trình thủy điện theo quy định đảm bảo điều kiện vận hành, phát điện các tổ máy.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đơn vị chuyên môn xem xét việc nghiên cứu ảnh hưởng của động đất kích thích trong đánh giá tác động môi trường đối với các dự án công trình hồ đập lớn.