Đề xuất tiếp tục tăng giá cước 3G của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công thương đang khiến người tiêu dùng bức xúc. Những lý do mà các nhà mạng vin vào để đề xuất tăng cước đều không thuyết phục.
| ||
Các nhà mạng đều kêu lỗ ở mảng 3G, song lại không đưa ra được số liệu cụ thể |
Tăng giá 3G vì… cạnh tranh lành mạnh (!?)
Lý do đầu tiên tăng giá cước 3G là để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Nghe rất khách quan, nhưng trên thực tế, ở Việt Nam chỉ có 4 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnammobile. Song thị phần 3G của 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone chiếm tới hơn 97%, hơn nữa đây là 3 doanh nghiệp nhà nước. Cạnh tranh lành mạnh hay không cũng là “câu chuyện nội bộ” của các doanh nghiệp nhà nước bị dư luận gọi là độc quyền nhóm này.
Nếu để đảm bảo cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp liên doanh trong lĩnh vực viễn thông thì có vẻ như lý do này không thuyết phục.
Còn nếu là để cạnh tranh lành mạnh với các nhà cung cấp OTT, thì cũng không đúng. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng đã khẳng định, việc OTT làm giảm doanh thu của các nhà mạng là đúng, song việc tăng giá cước 3G không liên quan đến việc OTT làm giảm doanh thu của các nhà mạng.
Trên thực tế, đại diện các nhà OTT cho biết, việc tăng giá cước 3G không có tác động đến hoạt động kinh doanh của OTT.
Tăng giá 3G để tái đầu tư?
Một trong những lý do các nhà mạng đưa ra để biện minh cho tăng giá cước 3G là để có thêm tiền tái đầu tư cho hệ thống 3G, trong khi lượng người dùng đã tăng rất nhanh. Vào năm 2009, khi triển khai dịch vụ 3G, các nhà mạng đã đầu tư khoảng 27.000 tỷ đồng và Bộ Tài chính cho phép tính khấu hao thiết bị 3 năm. Và số tiền này được tính vào giá thành của dịch vụ.
Như vậy, 3 năm qua, người tiêu dùng đã phải thay các nhà mạng trả khấu hao. Vấn đề nằm ở chỗ tại sao các thiết bị viễn thông lại được “bật đèn xanh” cho tính khấu hao nhanh vậy, trong khi các thiết bị khác được tính khấu hao từ 10 đến 15 năm?
Không phải ngẫu nhiên mà Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lại phản biện quyết liệt với lý do này. Đại diện VAFI phân tích, Viettel, MobiFone, VinaPhone xung phong áp dụng chế độ khấu hao cực nhanh (chế độ khấu hao nhanh chỉ bằng công cụ lao động) dĩ nhiên là đẩy giá thành dịch vụ lên rất cao (có thể đẩy giá thành cước dịch vụ lên gấp 2 lần), điều đó có thể khẳng định rằng giá thành dịch vụ mà 3 nhà mạng cung cấp là không chính xác.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI băn khoăn, việc cho phép doanh nghiệp khấu hao cực nhanh, với thời gian khấu hao được rút ngắn còn 1/4 và 1/3 vòng đời của tài sản cố định sẽ làm giảm nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời đẩy giá thành dịch vụ lên cao và từ đó làm cơ sở cho việc tăng giá cước “có vẻ hợp lý”(?)
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc rút ngắn thời gian khấu hao chỉ còn khoảng 3 năm để tăng giá thành lên, rồi tăng giá bán lẻ là trái với quy luật kinh tế và chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Không thể bắt khách hàng gánh lỗ!
Như trong bài viết “Thượng đế” 3G không sốc mới lạ” trên Báo Đầu tư số 151 ngày 18/12 đã phản ánh, một trong những lý do nhà mạng tăng giá cước là thua lỗ. Đây là một lý do rất… lãng xẹt.
Đại diện 3 nhà mạng đều cho rằng, do giá thấp, nên mảng 3G đang lỗ. Nhưng, với câu hỏi Viettel, MobiFone, VinaPhone lỗ trong mảng 3G bao nhiêu thì không nhà mạng nào trả lời và không đưa ra được con số cụ thể.
Và nếu quả thực do lỗ do bán dịch vụ dưới giá thành (khoảng 54%), thì tại sao mỗi năm, các nhà mạng lại liên tiếp mở rộng đầu tư, kinh doanh, khai thác 3G. Nói cách khác là, “đã lỗ thì đầu tư làm gì?”.
Chưa bàn đến chuyện các nhà mạng có lỗ ở mảng kinh doanh 3G hay không, nhưng kể cả nếu bị lỗ thì đây cũng là do lỗi của các nhà mạng, chứ không thể bắt khách hàng gánh chịu hậu quả do lỗi của nhà mạng được.
Còn nhiều lý do mà các nhà mạng đưa ra để thuyết phục các cơ quan cho phép tăng giá 3G, nhưng chúng đều có một điểm chung là không có một lý do nào có thể thuyết phục được người tiêu dùng.
Khi những dấu hiệu về việc “bắt tay” cùng tăng giá, độc quyền nhóm trong việc tăng giá cước 3G tháng 10/2013 chưa được làm rõ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, thì đề xuất tiếp tục tăng giá cước 3G một lần nữa, đã khiến hàng triệu khách hàng rơi vào thế đối lập với các nhà mạng.
Nhà mạng biết khách hàng của mình đang phản đối và một số khách hàng thậm chí tẩy chay dùng 3G. Dù chưa có con số thống kê chính xác về số thuê bao hủy sử dụng dịch vụ 3G, nhưng bằng động thái đề xuất tiếp tục tăng giá cước 3G đã nổi lên câu hỏi: có phải do quá nhiều thuê bao tẩy chay dùng 3G, nên nhà mạng phải tiếp tục đề xuất tăng giá cước để bù doanh thu?.
Hữu Tuấn