Trong cuộc họp với các nhà văn, nhà thơ mới đây về vấn đề chi trả tiền bản quyền của các tác giả có tác phẩm in trong sách giáo khoa (SGK), Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam cho biết sẽ gửi hồ sơ để khởi kiện NXB Giáo dục Việt Nam vì xâm phạm có hệ thống đối với các sản phẩm được xuất bản từ năm 2014 trở về trước.
Nhiều nhà văn, nhà thơ bày tỏ bức xúc khi NXB Giáo dục Việt Nam đã không xin ý kiến, và không trả nhuận bút cho họ trong nhiều năm nay trong khi vẫn sử dụng những tác phẩm của họ trong các bộ SGK.
Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này, PV Infonet đã liên hệ với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch Hội đồng Ngữ văn của Bộ GDĐT, là người từng tham gia từ khâu thẩm định chương trình cho tới thẩm định SGK các cấp học (SGK tiểu học ông là Chủ biên, SGK THCS ông là đồng Chủ biên nên không trong thành phần thẩm định).
Theo ông Thuyết, hiện quy trình để một tác phẩm được đưa vào SGK không có khâu xin ý kiến tác giả.
“Đối với SGK THCS và THPT thì việc đưa tác phẩm nào vào SGK, thậm chí là chọn đoạn trích nào của tác phẩm đã được chương trình của Bộ GDĐT quy định. Bởi chương trình Ngữ văn từ cấp THCS trở lên có nội dung quan trọng là dạy đọc tác phẩm văn học cho nên phải tuyển những tác phẩm văn học đạt được nhiều tiêu chí khác nhau.
Còn với cấp tiểu học thì môn Tiếng Việt có mục đích luyện cho các em kỹ năng nói, nghe, đọc, viết và dạy kiến thức, kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi này, vì vậy những người làm sách phải tự tìm ở trong hàng nghìn tác phẩm văn học để xem tác phẩm hoặc trích đoạn nào phù hợp yêu cầu thì sẽ đưa vào.
Đầu tiên những người làm sách thống nhất với nhau, rồi trình Hội đồng thẩm định. Cùng với việc thẩm định nội dung kiến thức, Hội đồng có quyền đề nghị sử dụng hay không sử dụng tác phẩm nhất định. Hội đồng thẩm định chương trình cũng là tổ chức có ý kiến quyết định trong việc chọn tác phẩm.
Như vậy, người biên soạn chương trình, biên soạn SGK ở cấp nào cũng không thể chủ động trong việc xin phép tác giả. Dù xin phép trước khi ra Hội đồng thẩm định hay sau khi được Hội đồng thẩm định tán thành cũng khó thực hiện vì nó sẽ làm chậm tiến độ biên soạn.
Chính vì vậy, Luật Sở hữu trí tuệ không bắt buộc điều này. Và tôi cũng chưa biết nước nào bắt nhà xuất bản phải xin phép tác giả để đưa tác phẩm của họ vào SGK. Tuy nhiên, bây giờ Hội Nhà văn VN đã có Trung tâm Quyền tác giả văn học. Sau khi sách được xuất bản, các nhà xuất bản làm SGK có thể gửi thông tin về việc sử dụng tác phẩm văn học cho trung tâm này để thông báo tới các tác giả.
Nhưng không phải tất cả các tác giả văn học đều ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả văn học. Vì vậy, có lẽ hình thức thích hợp nhất là các nhà xuất bản đưa thông tin lên trang web của mình”, ông Thuyết giải thích.
Về nhuận bút, thù lao cho tác giả có tác phẩm được đưa vào SGK, GS Thuyết cho biết, Theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ (ban hành năm 2005; sửa đổi, bổ sung năm 2009), việc “trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại” thuộc vào “các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao”.
Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra quy định giới hạn quyền sở hữu trí tuệ như vậy là vì lợi ích của công chúng. Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (năm 1971) cũng quy định tại khoản 2 điều 10: các quốc gia “có thẩm quyền quy định cho phép sử dụng trong mức độ phù hợp có mục đích những tác phẩm văn học, nghệ thuật bằng cách trích dẫn, minh họa, giảng dạy trong các xuất bản phẩm, các buổi phát thanh, ghi âm hoặc ghi hình, miễn sao việc sử dụng đó phù hợp với thông lệ chính đáng”.
Trả lời thắc mắc của PV Infonet rằng, SGK không phải là sản phẩm "phát không" cho học sinh (trừ những trường hợp đặc biệt) mà được bán trên thị trường, tức là “có mục đích thương mại”. Vì vậy, NXB Giáo dục cần chi trả nhuận bút, thù lao cho tác giả văn học có tác phẩm được sử dụng trong SGK.
“Theo tôi được biết, từ nhiều năm nay, NXB Giáo dục VN có trả nhuận bút, thù lao cho một số tác giả mà họ tìm được địa chỉ. Tôi cũng được biết lâu nay NXB Giáo dục VN và Trung tâm Quyền tác giả văn học đã thương lượng về việc trả nhuận bút, thủ lao cho tác giả văn học có tác phẩm được sử dụng trong SGK.
Vấn đề vướng mắc chủ yếu là mức chi trả. Tôi mong rằng hai bên sẽ bàn bạc và đi đến quyết định có lợi cho tác giả văn học, đồng thời không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi học sinh (tăng giá SGK) và đến việc phổ biến tác phẩm văn học trong nhà trường.” – GS Thuyết bổ sung.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, ở hai cấp THCS và THPT, số lượng tác phẩm văn học được dạy không nhiều và danh sách những tác phẩm này gần như đã ổn định. Số lượng tác phẩm được đưa vào chương trình và SGK sau năm 2015 sẽ càng ít hơn nữa, vì tinh thần của chương trình mới là chỉ chọn dạy một số tác phẩm tiêu biểu nhất, dành quyền chủ động cho giáo viên và học sinh lựa chọn tác phẩm mà họ yêu thích.
Ở tiểu học thì việc đưa vào SGK những tác phẩm văn học phù hợp với mục tiêu và nội dung giáo dục của môn Tiếng Việt cũng mới chỉ được thực hiện từ vài chục năm gần đây. Trong SGK tiểu học ngày trước, tuyệt đại đa số các bài đọc là do tác giả SGK sáng tác.
“Việc đưa tác phẩm văn học vào nhà trường không chỉ tạo điều kiện để học sinh được tiếp cận với ngôn ngữ văn học và những hình tượng văn học giàu tính thẩm mỹ, tính nhân văn mà còn tạo điều kiện để tác phẩm văn học đến với một công chúng rất quan trọng và có số lượng rất lớn.
Tôi mong rằng cả NXB Giáo dục và Trung tâm Quyền tác giả văn học sẽ đi đến những thỏa thuận có lợi nhất cho công việc quan trọng này. Đó cũng là một cách bảo vệ quyền lợi tác giả.” – GS Thuyết nhấn mạnh.
Trước việc một số nhà văn, nhà thơ cho rằng việc không xin ý kiến tác giả khi sử dụng tác phẩm của họ trong SGK là "thiếu tôn trọng tác giả", ông Thuyết nêu quan điểm: “Theo tôi, biểu hiện tôn trọng cao nhất đối với tác giả chính là đánh giá cao và lựa chọn tác phẩm của họ trong vô vàn tác phẩm để đưa vào SGK, góp phần giáo dục hàng chục triệu lượt học sinh qua các thế hệ. Còn nếu cứ phải đợi tác giả đồng ý xong, rồi mới đưa ra báo cáo Hội đồng thẩm định thì người làm SGK bó tay, vì nếu Hội đồng không duyệt thì tốn bao nhiêu công sức biên soạn, chưa kể tiến độ làm SGK không thể đảm bảo được”.
Thanh Hùng (infonet)