Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo phân tích chung do 3 tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu công bố ngày 9/11.
Trong khi sự hỗ trợ của nhà nước đối với dầu khí và than đá đã giảm nhẹ kể từ khi hiệp định mang tính bước ngoặt trên được ký kết, báo cáo nhận thấy rằng các kế hoạch kích thích kinh tế hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của nhiều quốc gia sẽ chứng kiến hàng tỷ USD được "rót" vào các nhiên liệu gây ô nhiễm.
Khi đánh giá hiệu quả hoạt động của các nước trong nhóm Các nền kinh tế mới nổi và hàng đầu thế giới (G20) trong việc loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, báo cáo cho thấy có ít nhất 170 tỷ USD ngân sách công của các nước này đã được cam kết đầu tư cho các lĩnh vực sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tháng trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định đại dịch COVID-19 đã đem đến cơ hội "có một không hai" cho các chính phủ trong việc triển khai bước đi mạnh mẽ, mang tính thay đổi đối với đầu tư vào năng lượng sạch. Các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại được nhiều nước áp đặt nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh này đã góp phần giảm đáng kể lượng khí thải CO2 trong năm nay so với năm 2019.
Tuy nhiên, chính quyền các nước lại dường như không thực tâm thúc đẩy "phục hồi xanh" trong quá trình vực dậy nền kinh tế suy yếu do ảnh hưởng của đại dịch.
Theo báo cáo, các quốc gia giàu có - vốn chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí thải - có khả năng hủy hoại những tiến bộ nhỏ nhoi mà họ đã đạt được trong việc loại bỏ trợ cấp các nhiên liệu gây ô nhiễm. Trong giai đoạn 2016-2019, mỗi năm các nước này đã chi 584 tỷ USD cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo nhận định không một quốc gia nào đạt được "tiến bộ tốt" trong việc cải cách trợ cấp nhiên liệu gây ô nhiễm để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris. Hầu hết các nước G20 đều bị đánh giá kém do hoạt động thiếu minh bạch và chính sách tiếp tục ủng hộ khai thác nhiên liệu gây ô nhiễm.
Trao đổi với báo giới, bà Anna Geddes, chuyên gia của Viện quốc tế về Phát triển bền vững, đồng tác giả báo cáo, nhận định ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 ập đến, các nước G20 đã "không đi đúng hướng" để đáp ứng các cam kết được nêu trong Hiệp định Paris về việc chấm dứt hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó họ lại "đi ngược lại" các cam kết trên.
Trong khi đó, ông Bronwen Tucker của tổ chức môi trường Oil Change International, cho rằng chính phủ các nước vẫn đang trong quá trình triển khai những biện pháp tài chính lịch sử để đối phó với đại dịch. Thay vì thúc đẩy một cuộc khủng hoảng lớn khác - biến đổi khí hậu, các chính phủ nên đầu tư vào một tương lai bền vững.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5-2 độ C. Cho đến nay, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên khoảng 1,2 độ C.
Theo Liên hợp quốc, để đạt được mục tiêu trên, thế giới cần giảm lượng khí thải ở mức 7,6%/năm trong thập kỷ này. Báo báo mới đây của Liên hợp quốc chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 hiện nay không hề khiến cuộc khủng hoảng khí hậu tạm ngừng mà trái lại, mức khí thải nhà kính đã nhanh chóng cao trở lại như trước khi đại dịch xảy ra.
Thậm chí, đại dịch là hồi chuông cảnh tỉnh về những thách thức thậm chí thảm khốc hơn có thể xảy ra trong tương lai, mà trước tiên là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Bởi vậy, vấn đề cấp thiết toàn cầu hiện nay là cố gắng phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu.