Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, 1 trong hai thành công lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013 là kiềm chế lạm phát và nhập siêu.
“Nhưng trong tháng 4/2013 nhập siêu đã quay trở lại với giá trị khá lớn (1,3 tỷ USD) sẽ đe dọa tới nhiều cán cân kinh tế vĩ mô khác trong những tháng cuối năm nếu nhập siêu vẫn tiếp tục diễn ra như tháng 4 này. Với diễn biến nền kinh tế trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm có thể dự báo, kinh tế quý II còn khó khăn hơn quý I vừa qua”, ông Giàu phát biểu.
Theo ông Giàu, chưa nên điều chỉnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5. “Trước mắt, cần phải chỉ rõ, chỉ cụ thể trách nhiệm không hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do những cơ quan nào và ai phải chịu trách nhiệm chính chứ không thể đưa ra kết luận chung chung”, ông Giàu kiến nghị.
Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu được đặt ra rất đúng và rất trúng.
“Nhưng đến tận bây giờ trong Báo cáo đánh giá tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 (sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5) Chính phủ vẫn đặt mục tiêu khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách đã được quy định trong Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Vậy thì đến bao giờ 2 nghị quyết này mới đi vào cuộc sống, mới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Kiêm băn khoăn.
Ông Kiêm cho rằng, giờ mới đặt mục tiêu ban hành hướng dẫn thì có sớm cũng phải đến đầu quý III mới trình được hướng dẫn và phải đến quý IV năm nay chính sách mới đi vào cuộc sống.
“Việc chậm ban hành hướng dẫn các chính sách rất đúng, rất trúng, rất kịp thời là nguyên nhân chính đẩy hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất”, ông Kiêm kết luận.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Nam cũng nhìn nhận, kinh tế quý II còn khó khăn hơn quý I. Nguyên nhân chính là hướng dẫn các chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu được ban hành quá chậm nên các chính sách này gần như đã bị vô hiệu hóa.
“Tôi vừa đi tiếp xúc cử tri. Nhiều cử tri là chủ doanh nghiệp nói thẳng: “Các ông chỉ giỏi võ mồm. Chính sách các ông ban hành ra toàn để đấy vì hướng dẫn chậm, thậm chí có hướng dẫn cũng không triển khai được vì không phù hợp với thực tế”, ông Nam kể.
Ông Lê Nam thừa nhận, cử tri bảo các cơ quan quản lý nhà nước “chỉ giỏi võ mồm” không hề sai. Bởi trên thực tế có rất nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch, giải pháp, nghị quyết, chỉ thị… được ban hành ra nhưng chỉ dừng lại ở văn bản, giấy tờ vì không triển khai hoặc không thể triển khai.
Cử tri cho rằng, việc tái cơ cấu DNNN như Vinashin, Vinalines diễn ra chậm chạp
“Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã nói quá nhiều đến tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc đầu tư công nhưng tất cả vẫn còn nằm ở… thì tương lai. Còn hiện tại, nhiều con tàu trị giá hàng trăm tỷ đồng của Vinashin, Vinalines vẫn trôi lang thang trên biển mà chưa thấy ai tái cấu trúc”, ông Nam trăn trở.
Đại diện cho cử tri Đồng bằng sông Cửu Long, bà Mai Thị Ánh Tuyết, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang rất lo ngại trước diễn biến xấu của nền kinh tế trong những tháng đầu năm.
Sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản là thế mạnh của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng theo bà Tuyết, thế mạnh này đang trở thành gánh nặng của rất nhiều người dân 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng sản xuất, xuất khẩu lúa gạo cũng vô cùng khó khăn, đời sống người trồng lúa rất bấp bênh. Trong khi đó, người dân nuôi cá tra, cá basa hầu như không nhận được sự hỗ trợ gì nên hoạt động sản xuất - kinh doanh của lĩnh vực này ngày càng khó khăn hơn”, bà Tuyết nói.
Bà Tuyết cho biết, giá cá tra, cá basa xuất khẩu tối thiểu phải ở mức 410 USD/tấn thì người sản xuất mới hòa vốn và doanh nghiệp mới bỏ tiền thu mua nguyên liệu. Nhưng giá mặt hàng này giảm liên tục và hiện chỉ dao động ở mức 380-390 USD/tấn nên người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gặp vô cùng khó khăn.
“Nếu giá xuất khẩu không tăng, không mở rộng được thị trường trong khi liên tục bi lo nước ngoài kiện bán phá giá thì trong quý II, quý III năm nay hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu lương thực, thủy hải sản còn gặp khó khăn hơn. Và hậu quả là nền kinh tế của 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp khó khăn”, bà Tuyết nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao Viết Sinh thừa nhận nền kinh tế gặp khó khăn trong những tháng đầu năm và có thể còn kéo dài cả năm có nguyên nhân cơ bản là việc xây dựng, triển khai hướng dẫn thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 02/NQ-CP quá chậm.
Ông Sinh cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm trình hướng dẫn Nghị quyết 02/NQ-CP. Ngoài ra, nhiều khả năng việc giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay cũng sẽ sớm được thực hiện nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
“Lạm phát 4 tháng đầu năm rất thấp (tăng 2,6% so với cuối năm 2012) dự báo lạm phát cả năm cũng ở mức thấp hơn dự kiến ban đầu vì thế cần phải nghiên cứu giảm lãi suất xuống thấp hơn nữa để kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Sinh cho biết.
Mạnh Bôn