Báo cáo nhanh của Sở Công thương TP.HCM tối 18/7 cho biết, trên địa bàn huyện Bình Chánh có 13/15 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Nhằm giảm tải áp lực cho hệ thống phân phối hiện đại, đảm bảo việc cung ứng hàng hóa được liên tục, xuyên suốt, không bị gián đoạn, không gây ùn ứ, tập trung đông người và ảnh hưởng hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND huyện Bình Chánh đã có văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ truyền thống để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn huyện, theo đó, đề nghị 08 chợ đảm bảo công tác phòng chống dịch hoạt động trở lại (chỉ bày bán các mặt hàng thiết yếu) chậm nhất ngày 19/7/2021.
Bên cạnh các hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu đến người dân thông qua các điểm bán hàng tại nhà, tạp hóa nhỏ lẻ, tạp hóa.
Trên địa bàn huyện Bình Chánh, có 40/612 cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ tiếp tục mở cửa phục vụ nhu cầu mua hàng thiết yếu cho người dân.
Đồng thời các đơn vị liên quan đã tổ chức 17 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn huyện, trung bình mỗi điểm cung ứng khoảng 800 đến 1500 kg lương thực, thực phẩm thiết yếu, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tại các cửa hàng tiện ích tại huyện Bình Chánh ghi nhận sức mua ổn định; giá cả các mặt hàng thiết yếu như thịt, thực phẩm tươi sống bán tại các cửa hàng chuyên doanh được giữ ổn định so với ngày 17/7/2021.
Tại các cửa hàng Bách Hoá Xanh trên địa bàn huyện ghi nhận giá bán hàng không đổi. Một số loại mặt hàng rau giá nhìn chung giao động từ 30.000 đồng- 40.000 đồng/kg tùy loại.
Giá các mặt hàng thịt từ 130.000 đồng - 170.000 đồng/kg tùy loại (chủ yếu thịt heo nhập khẩu); giá các mặt hàng gạo, thực phẩm khô để qua ngày không có ghi nhận hiện tượng tăng giá.
Đối với hệ thống Satra Foods, một số mặt hàng rau phổ biến từ 23.000 đồng- 35.000 đồng/kg), mặt hàng thịt heo giá phổ biến từ 110.000 đồng- 145.000 đồng/kg).
Tại hệ thống cửa hàng Co.op Foods, giá cả cũng không đổi từ khi Thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Hiện, nguồn cung ứng hàng hoá tại các cửa hàng tương ổn định, lượng hàng phong phú, dồi dào. Các cửa hàng thực hiện tốt việc hướng dẫn người dân đảm bảo y tế khi vào mua sắm.
Người dân tại TP.HCM mua sắm tại siêu thị Co.op Mart (Ảnh minh hoạ). |
Còn tại quận Bình Tân, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn quận.
Tuy nhiên, chiều hôm 18/7, cửa hàng Bách Hóa Xanh tại phường An Lạc A thiếu hụt cục bộ mặt hàng trứng và một số mặt hàng đồ khô vẫn chưa kịp bổ sung; các cửa hàng tiện ích trên địa bàn các phường còn lại đều đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân.
Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tăng nhẹ so với bình thường không có dịch bệnh, tương đối ổn định.Siêu thị và cửa hàng tiện ích có bảng nêm yết giá và bán theo đúng giá nêm yết.
Lượng khách hàng và hàng hóa tại các siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn quận đã ổn định, không còn tình trạng người dân xếp hàng chờ ngoài cửa đồng thời tình hình mua sắm cũng đã ổn định, không còn tình trạng mua hàng tích trữ.
Nguồn hàng tại các siêu thị đầy đủ, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.
Cơ quan chức năng quận Bình Tân đang thẩm định phương án của 2 chợ Bình Trị Đông (dự kiến hoạt động lại vào thứ ba ngày 20/7) và chợ Kiến Thành (dự kiến hoạt động lại vào thứ hai ngày 19/7).
Còn tại quận 12, không ghi nhận khan hiếm hàng hoá, lượng khách hàng không đông. Ngày 18/7, trên địa bàn quận có 1 chợ phải đóng cửa do có ca F0 (chợ Tân Chánh Hiệp) và siêu thị Co.opmart Tô Ký do ngưng hoạt động do không đủ nhân viên.
Quận 12 đang phối hợp Sở Công thương tổ chức 3 xe bán hàng lưu động. Ngoài ra, phường Tân Hưng Thuận và Tân Thới Nhất hỗ trợ tiểu thương tổ chức bán rau củ quả và các mặt hàng thiết yếu cho người dân.