Bão Rammasun đang gây ảnh hưởng tại Quảng Ninh
Thông tin mới nhất lúc 9h20 sáng nay từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay bão số 2 đang ảnh hưởng tới tỉnh Quảng Ninh, tại đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió giật cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8 - 9; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật cấp 9; TP. Lạng Sơn có gió giật cấp 6, … Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to như Cô Tô: 32mm; Móng Cái: 43mm; Cửa Ông: 20mm;…
áng nay (19/7), bão số 2 đã đi vào khu vực biên giới Việt Trung. Hồi 07 giờ, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12-13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc. Đến 07 giờ ngày 20/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,0 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh sáng nay có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10 – 11. Các nơi khác ở Quảng Ninh và các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Các nơi khác ở đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ có gió giật cấp 6. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng và thủy văn Trung ương, đang ở khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, gió đang rít từng hồi mỗi lúc càng mạnh. Theo nhận định, bão đi đã đổ bộ vào khu vực Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc), tâm bão cách thành phố Móng Cái khoảng từ 40-50 km. "Khoảng 6h sáng nay, bão đã đi vào địa phận ngay sát phía bắc của thành phố Móng Cái. Từ 7h đến lúc này, gió liên tiếp ở cường độ cấp 9, 10, giật cấp 11, 12", ông Hải nói.
Tại Trà Cổ cường độ gió còn mạnh hơn ở cấp 11, giật cấp 12.
"Rất may toàn bộ ngư dân ở vùng ven biển làm nhà tạm, nhà cấp 4 đã được di dời vào khu biên phòng và nhà dân trú tránh an toàn", ông Hải cho biết.
Quảng Ninh: Tính đến 1h00’, ngày 19/7, thành phố đã di dời được 2.091 hộ dân về trú bão tại các nhà kiên cố như: Các đồn biên phòng, nhà văn hóa, trường học trên địa bàn.
Các đồng chí: Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác di dân, động viên người dân đến các nơi tránh trú bão an toàn
Vân Đồn là huyện đảo "tiền tiêu" của tỉnh Quảng Ninh thường hứng chịu thiệt hại nặng nề mỗi khi có bão tràn qua nên công tác phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho người dân được quan tâm hàng đầu triển khai khẩn trương, diễn ra trong suốt đêm.
Nhân dân đến trú bão tại Đồn biên phòng Hải Hòa. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Theo Ông Bùi Văn Cẩn, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết, tính đến 21 giờ ngày 18.7, trên địa bàn huyện đã di dời toàn bộ phương tiện tàu bè gồm 1645 chiếc, trong đó 55 tàu cá xa bờ, 400 lồng bè về nơi trú ẩn an toàn. Các địa bàn xung yếu như đê Quan Lạn, bến cập tàu Minh Châu, Ngọc Vừng… đã dùng rọ đá kè chống. Đồng thời tiến hành di dời hơn 2000 dân thuộc các lồng bè lên bờ trú ẩn khỏi vùng nguy hiểm.
Các hộ dân nhà cấp bốn ven đê biển cũng được vận động, cưỡng chế di dời sang các nhà cao tầng kiên cố. Tại xã đảo Quan Lạn, người dân tập trung ở trường tiểu học để tránh bão. Các trường hợp phải di dời thuộc thị trấn Cái Rồng, người dân được đưa vào nhà văn hóa thị trấn hoặc ở nhờ nhà người thân.
Sáng 19/7, gió mạnh kèm mưa lớn tiếp tục được ghi nhận tại thành phố Móng Cái. Ảnh: Quý Đoàn |
Thái Bình: tại tỉnh Thái Bình, do chủ quan khi nơi đây không phải là tâm bão nên nhiều ngư dân ở huyện Tiền Hải sau khi đưa tàu thuyền vào bờ vẫn có ý định ra khơi đánh bắt cá. Nắm bắt được tình hình này, lực lượng chức năng của tỉnh Thái Bình đã tăng cường tuần tra không để ngư dân ra khơi trước những diễn biến phức tạp, khó lường của bão.
Ngay từ tối và đêm qua, Đồn Biên phòng Cửa Lân, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình phối hợp với lực lượng công an đã tổ chức 2 trạm kiểm soát tại các cảng cá - nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu tránh trú bão; đồng thời thành lập 14 tổ công tác ứng trực, tuần tra tại 8 xã ven biển và 2 trạm biên phòng không để ngư dân ra khơi khi lệnh cấm biển chưa kết thúc.
Trước đó, vào chiều qua (18/7), các lực lượng chức năng của huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã cưỡng chế đối với hơn 10 trường hợp trên các chòi canh thủy sản và 7 chủ phương tiện nuôi hải sản trên biển khi họ cố tình không vào bờ tránh trú bão.
Thanh Hóa: Để chủ động phòng chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 2 có thể gây ra trên địa bàn, hôm qua Tại khu vực cảng Lạch Hới ,phòng Cảnh sát đường thủy Công an Thanh Hóa đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Lễ Môn tiến hành tuyên truyền, kêu gọi các tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn đồng thời hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu tránh sự va đập khi bão tới.
Riêng lực lượng Công an Thanh Hóa đã hoàn tất việc bố trí các phương án trực 24/24 với 100% CBCS được phân công làm nhiệm vụ chống bão. Các đơn vị tuyến biển bố trí thường trực các tàu cao tốc, xuồng máy và CBCS sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; khẩn trương triển khai các phương án phòng chống thiên tai, bão lụt và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”.
Lạng Sơn: Công an tỉnh Lạng Sơn cũng đã có điện gửi Công an các huyện, thành phố, các phòng ban về tình hình diễn biến của cơn bão số 2, đồng thời yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ; tuyên truyền, cảnh báo cho người dân sống ở những nơi có nguy cơ cao bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở biết thông tin để phòng ngừa ứng phó; tổ chức ứng trực 100% quân số trong 3 ngày từ ngày 19 đến ngày 21/7. Tiến hành kiểm tra trạm xá Công an tỉnh, các kho quân trang, vũ khí, xăng dầu, những khu vực dễ sạt lở và giáp với khu vực dân cư. Đồng thời kiểm tra công tác chuẩn bị ứng trực của một số đơn vị, yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch trực chiến, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, không để tội phạm lợi dụng sơ hở để thực hiện các hành vi phạm tội, luôn trong trạng thái sẵn sàng giúp người dân sơ tán, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn khi cần thiết.
Tú Ân