Thời sự
Các tỉnh vùng ĐBSCL lên phương án đưa người về quê có tổ chức, tránh lây nhiễm chéo
Huy Tự - 01/10/2021 17:24
Ngay sau khi TP.HCM thực hiện nới lỏng giãn cách, lượng người làm việc tại TP.HCM bị mất việc do dịch Covid-19 tự phát về quê đang tăng lên, gây ùn ứ, ách tắc tại các cửa ngõ của TP.HCM.
Ảnh minh họa

Được biết, số người đang bị kẹt tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch giữa tỉnh Long An và Tiền Giang xuất phát từ TP.HCM vào chiều hôm trước, bị kẹt tại chốt kiểm soát giáp ranh giữa huyện Bình Chánh, TP.HCM và huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tuy nhiên, đến rạng sáng 01/10, số người này đã vượt chốt để đi vào địa phận tỉnh Long An.

UBND tỉnh Long An cũng đã có công văn số 9583/UBND-KTTC gửi 16 tỉnh, thành phố phía Nam về việc phối hợp tổ chức đón người dân có nhu cầu trở về các địa phương, hiện các tỉnh ĐBSCL đã và đang có động thái khẩn trương chuẩn bị lực lượng, vật tư, hậu cần, kể cả khu cách ly đón tiếp.

Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cho rằng: chỉ rước người về quê có tổ chức, có đăng ký và chuẩn bị trước nhằm tránh lây nhiễm trong cộng đồng, do vậy khuyến cáo công nhân làm việc tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An… cần ở yên tại chỗ theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ để các tỉnh miền Tây tổ chức đón công dân về theo kế hoạch; đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Do đó, người dân đang kẹt tại các chốt cửa ngõ TP.HCM, tỉnh Long An cần quay về nơi sinh sống. Các địa phương vùng Tây Nam bộ hiện đang chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để có kế hoạch đón và tiếp nhận trường hợp người dân về quê.

Sáng 01/10, đoàn cán bộ tỉnh Long An do Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Đại Tánh làm Trưởng đoàn tổ chức tiếp nhận người dân Long An tự phát về quê từ TP.HCM với hơn 100 người dân về bằng xe khách. Đoàn còn bố trí xe tải chở phương tiện cá nhân và hành lý cho người dân, đưa trực tiếp tới khu cách ly tại trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật (huyện Bến Lức). Sau khi ổn định, người dân được test nhanh Covid-19 và thực hiện cách ly theo quy định. 

Tại Vĩnh Long, theo kế hoạch, đợt thứ 4 Tỉnh sẽ đón khoảng 1.000 người về địa phương. Trước đó, trong 3 đợt kể từ đầu tháng 9, Vĩnh Long đã đón hàng trăm công dân đang tạm trú ở TP.HCM trở về địa phương.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Long, nhu cầu người dân từ TP.HCM trở về rất nhiều. Theo kế hoạch, địa phương sẽ đón những đối tượng ưu tiên có nguyện vọng về Tỉnh để quay trở lại học hành, làm việc, sớm ổn định cuộc sống... Đồng thời việc này cũng góp phần giảm áp lực cho TP.HCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cũng trong sáng 1/10, UBND tỉnh Đồng Tháp có Công điện khẩn cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về tổ chức trực và chuẩn bị điều kiện đón người dân từ TP.HCM và các tỉnh trở về địa phương.

Theo nội dung Công điện, hiện người dân Đồng Tháp từ TP.HCM và các tỉnh tự phát trở về địa phương ngày càng nhiều, tạo áp lực lớn trong việc giữ vững các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin đón người dân từ TP.HCM và các tỉnh về địa phương từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Chủ động chuẩn bị các điều kiện (phương tiện, cơ sở cách ly, hậu cần...) để đón người dân về địa phương thực hiện các biện pháp cách ly phòng, chống dịch theo quy định.

Tại Sóc Trăng, Tỉnh đã tiếp nhận 1.500 công dân về quê và hiện tại địa phương khẩn trương hoàn chỉnh cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị F0; phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, chống lây nhiễm chéo.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tự phát về quê mà nên có đăng ký trước để địa phương có kế hoạch đưa rước nhằm đảm bảo công tác an toàn chống dịch Covid-19. Còn ở trường hợp cụ thể là nhiều công dân đang kẹt lại chốt kiểm soát Long An, Tiền Giang nếu các địa phương này hỗ trợ xe đưa công dân về thì Sóc Trăng sẵn sàng tổ chức tiếp nhận.

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng: đối với những người dân vẫn bám trụ tại các chốt, quyết tâm về địa phương thì Kiên Giang sẽ phối hợp với các địa phương đưa phương tiện lên các chốt đón công dân của tỉnh mình, nhưng chỉ ưu tiên cho phụ nữ mang thai, người già và các em học sinh, sinh viên. Các đối tượng khác phải quay về nơi sinh sống trước đây để đăng ký về địa phương nếu có nhu cầu.

Tin liên quan
Tin khác