Các doanh nghiệp đang tìm cách giải bài toán về nguồn nhân lực tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Xóa bỏ rào cản để quản trị & phát triển nguồn nhân lực hiệu quả” |
Với câu hỏi, rào cản nào đối với việc quản trị và phát triển nguồn nhân lực khó vượt qua nhất trong thời kỳ của cuộc cách mạng 4.0, 65% trong số 200 lãnh đạo doanh nghiệp, giám đốc nhân sự tham gia đã chọn rào cản chất lượng nhân lực có thể đáp ưng yêu cầu của thời kỳ 4.0.
22% chọn rào cản về chi phí đầu tư cho lao động. Rào cản về sử dụng công nghệ trong quản trị nguồn nhân lực và rào cản liên quan đến giới chỉ chiếm 6-7%.
Có vẻ như các doanh nghiệp không còn quá chú tâm vào các vấn đề liên quan đến giới khi tìm kiếm nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, những yếu tố tác động từ khía cạnh văn hóa, xã hội, định kiến giới, bất bình đẳng giới được xem là những rào cản đối với công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.
Thậm chí, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT Le & Associates (L & A), một đơn vị về tuyển dụng, đào tạo và tư vấn phát triển nguồn nhân lực cũng cho biết, thực tế L&A vẫn nhận được những đề xuất tuyển dụng của doanh nghiệp, trong đó ghi rõ chỉ cần ứng viên nam hoặc nữ.
“Để thực sự bình đẳng toàn diện về cơ hội, điều kiện, các chính sách phát triển năng lực, thăng tiến cho cả hai giới thì cần có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể. Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, chúng tôi thường đề xuất khách hàng tập trung vào năng lực cần có và hiệu quả công việc, tránh gắn nhãn cho một giới nào. Các ứng dụng công nghệ của chúng tôi đưa ra sẽ giúp dễ dàng đánh giá định lượng, làm cơ sở cho quyết định tuyển dụng, đào tạo hoặc thăng tiến được công bằng, minh bạch”, bà Lệ nói.
Cuộc khảo sát do Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Xóa bỏ rào cản để quản trị & phát triển nguồn nhân lực hiệu quả” thực hiện.
Mục tiêu là nhằm nhận diện các rào cản từ khía cạnh giới có liên quan đến công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp xóa bỏ rào cản, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đạt được các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, 3 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đã được trao chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu EDGE (Economic Dividents for Gender Equality – Lợi ích kinh tế từ Bình đẳng giới), đó là: Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Tổng công ty Điện lực TP.HCM và Ngân hàng Maritime Bank.
Được thiết lập và ra đời từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2011, chứng chỉ EDGE được thiết kế không những giúp các Doanh nghiệp đánh giá hiện trạng môi trường làm việc của mình mà còn xây dựng lên một kế hoạch hành động hướng đến một môi trường làm việc tối ưu cho cả người lao động nam và nữ, từ đó cả doanh nghiệp và người lao động đều được hưởng lợi ích kinh tế từ kết quả này.
EDGE hiện hợp tác với gần 230 tổ chức trong 23 ngành công nghiệp khác nhau tại 50 quốc gia trên toàn thế giới.