Tốc độ già hóa dân số nhanh, chuyển đổi số mạnh mẽ đi cùng trình độ lao động phần đông ở mức thấp đang đặt cho Việt Nam bài toán phải chuyển đổi trình độ nhân lực nếu muốn tận dụng cơ hội việc làm từ hội nhập. |
Thách thức dần hiện hữu
Tại hội thảo “Hội nhập quốc tế và nguồn nhân lực trong tương lai – trang bị kỹ năng để lực lượng lao động trẻ Việt Nam thành công” tổ chức đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp đã bày tỏ quan ngại về lao động khi Việt Nam có tới 2/3 lao động dễ bị tổn thương trong sự biến đổi của công nghệ liên quan tới robot hóa, tự động hóa và internet vạn vật.
Lo ngại này của Thứ trưởng Diệp là có cơ sở khi Việt Nam hiện có khoảng 56 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có 21,7% lao động đã qua đào tạo nhưng cán cân đào tạo lại nghiêng về đào tạo đại học, cao đẳng chiếm tới 12,9%.
Sự mất cân đối trong đào tạo cũng khiến TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học và Lao động Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đặt lo ngại khi thực tế doanh nghiệp đang cần phần lớn là công nhân lành nghề. Đó là chưa kể năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực.
Ông Vinh lấy ví dụ về năng suất lao động dựa trên tính toán thu nhập/đầu người/năm thì Việt Nam đang đạt 4.019 USD, trong khi Thái Lan là 11.633 USD, Malaysia là 20.095 USD, Hàn Quốc là 56.266 USD, Nhật là 72.342 USD và Singapore là 100.475 USD.
Ông Vinh cũng nhắc tới những FTA có thể tạo ra những tín hiệu tích cực cho thị trường lao động như CPTPP dự đoán sẽ tạo thêm 20.000 việc làm mới vào năm 2020, các FTA khác sẽ tạo ra hàng triệu việc làm vào năm 2020 và AEC sẽ tạo ra thêm 14 triệu việc làm vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, nếu lao động Việt Nam không nâng cao tay nghề thì rất có thể, những cơ hội việc làm này sẽ khó đến.
Thực tế cho thấy, sự nhập cuộc của kinh tế số đang khiến những doanh nghiệp lớn như Nike hay Adidas đã bắt đầu dịch chuyển về chính quốc tại Mỹ và Đức để sản xuất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến phần đông các lao động tham gia vào chuỗi gia công cho những thương hiệu này ở các nước đang phát triển.
Yêu cầu tất yếu về chuyển dịch chất lượng
Một yếu tố khác được ông Vinh đề cập tới là tình trạng già hóa dân số đang khiến một số quốc gia Đông Âu đối mặt với việc nhiều nhà máy đóng cửa do thiếu hụt nhân lực.
“Việt Nam hiện vẫn đang tận dụng lợi thế về lao động trẻ và trình độ thấp, những chính sách về mở cửa thị trường cho lao động xuất khẩu của Nhật Bản hay Đức gần đây có thể là tín hiệu khá vui mừng với lao động Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số với tốc độ chỉ 15 năm, trong khi Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản là 26 năm và Thái Lan là 22 năm để chuyển đổi. Khi số lao động giảm đi cũng đồng nghĩa, lao động Việt Nam cần chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng”, ông Vinh nhấn mạnh.
Chuyển đổi số đi cùng với việc già hóa dân số trong thời gian ngắn, Việt Nam cũng phải đối mặt với tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp chiếm tới 40%. Trong khi đó, báo cáo thị trường quý 2 năm 2018 của ManpowerGroup (Tập đoàn nhân sự đa quốc gia của Mỹ) cũng cho thấy, chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao. Những yếu tố này càng khiến việc chuyển đổi nhân lực từ trình độ thấp sang trình độ cao trở nên bức thiết với Việt Nam.
“Khi tiến bộ công nghệ thay đổi các tổ chức, yêu cầu về kỹ năng tay nghề cũng thay đổi nhanh chóng và doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nhân tài”, ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông khẳng định.
Một nghiên cứu của ManpowerGroup khảo sát 39.195 nhà tuyển dụng tại 43 quốc gia gần đây cho thấy, năm 2018 là năm cao nhất trong vòng 12 năm (2006-2018) về việc các doanh nghiệp thiếu hụt nhân tài tuyển dụng với tỷ lệ 45% doanh nghiệp cho rằng thiếu hụt nhân sự cấp cao. Trong đó, doanh nghiệp càng lớn càng dễ bị ảnh hưởng.
Thiếu kỹ năng mềm, kinh nghiệm và kỹ năng chuyên ngành là những nội dung đáng quan ngại, trong đó, giao tiếp phối hợp và giải quyết vấn đề đang được đánh giá là tiền tệ mới cho phát triển kinh tế đứng trên góc độ lao động.
Hơn 90% nhà tuyển dụng cũng đưa ra khẳng định doanh nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi số hóa trong vòng 2 năm tới.
Nghiên cứu của Manpower Group cũng chỉ ra, năm 2020, hơn 1/3 kỹ năng quan trọng đối với các ngành nghề sẽ bao gồm những kỹ năng chưa từng được đánh giá cao trước đây bao gồm giải quyết vấn đề phức tạp; tư duy phản biện; sáng tạo; quản lý con người; phối hợp; trí tuệ cảm xúc; ra quyêt đinh; định hướng dịch vụ; đàm phán và nhận thức linh hoạt. Trong khi đó, 65% việc làm của thế hệ Z (thế hệ sinh từ 1996-2012) chưa xuất hiện.
Thực tế này cho thấy, chỉ lao động có trình độ cao mới giành được lợi thế trên thị trường lao động. Do đó, không chỉ Việt Nam mà rất có thể các quốc gia khác cũng đang chạy đua trong cuộc chuyển đổi này.