BanyanGlobal Family Business Advisors cho biết, hầu như mọi công ty gia đình tại Mỹ mà đơn vị này khảo sát vài tuần gần đây đều đang bị gián đoạn do đại dịch. Theo kết quả sơ bộ, gần 90% nhận thấy tác động tiêu cực đến việc kinh doanh.
Josh Baron, đồng sáng lập BanyanGlobal Family Business Advisors, giảng viên tại Trường Kinh doanh Columbia, cho biết các công ty gia đình không giống với các công ty khác ở chỗ cơ cấu sở hữu mang lại cho họ khả năng thực hiện các hành động then chốt vượt qua thời điểm khó khăn này.
Những người chủ trong gia đình - có thể có hoặc không có vai trò điều hành - có quyền thay đổi hầu hết khía cạnh về cách thức hoạt động của công ty: hình thức kinh doanh, cách đưa ra quyết định, cách đo lường sự thành công, thông tin nào cần được chia sẻ, và cách thức trao quyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo.
Không giống các công ty đại chúng, thường tập trung vào tối đa hóa giá trị cổ đông, chủ sở hữu ở công ty gia đình lại nhắm đến các mục tiêu thường vượt xa lợi nhuận về mặt tài chính, ví dụ như di sản gia đình, danh tiếng. Căng thẳng, lo lắng và sợ hãi xuất hiện trong khủng hoảng Covid-19 có thể làm tăng khó khăn, tê liệt trong việc đưa ra quyết định hoặc gây nên xung đột vượt khỏi kiểm soát. Mặt khác, nó cũng là lời kêu gọi hành động, khiến các chủ sở hữu công ty gia đình chung sức, gạt bỏ sự khác biệt, giúp doanh nghiệp tồn tại.
Mô hình công ty gia đình cũng có những lợi thế nhất định để vượt khủng hoảng. Ảnh: PxHere
Vì thế, nhóm chuyên gia BanyanGlobal Family Business Advisors đã gợi ý 5 hành động cụ thể để các chủ nhân công ty gia đình tham khảo trong mùa đại dịch.
Xác định loại hình công ty gia đình muốn duy trì
- Những tài sản nào trong công ty gia đình phải được duy trì, và phần nào có thể linh hoạt bán đi hay cắt giảm vài bộ phận để cứu toàn bộ?
- Những trường hợp nào bạn sẽ xem xét việc bán cổ phần cho nhân viên, bên thông gia, hay các nhà đầu tư bên ngoài ?
- Bạn có nên xem xét việc thay đổi mô hình sở hữu công ty gia đình?
Trọng tâm trong công ty gia đình là chọn cách thức đồng sở hữu như thế nào, ai có thể trở thành chủ sở hữu, và cách các chủ sở hữu thực hiện quyền kiểm soát. Tất cả phải cùng nhau xác định ý nghĩa của công ty. Trong lúc này, cần xem xét rõ các lựa chọn bên trên.
Xem lại kết cấu và quy trình quản trị
- Bạn đã có đủ các diễn đàn trao đổi ở cả "4 không gian" gồm gia đình, chủ sở hữu, hội đồng quản trị và ban quản lý không? Nếu thiếu một phần quan trọng thì bạn sẽ bổ sung như thế nào?
- Bạn sẽ thực hiện những quyết định quan trọng ra sao? Có những quyết định nhất định mà các chủ sở hữu nên can dự vào nhiều hay ít? Bạn có rạch ròi về người có quyền đưa ra các quyết định quan trọng?
- Bạn có cần xem xét lại bất kỳ chính sách nào (ví dụ như cổ tức, nhân viên trong công ty gia đình)? Hoặc có cần lập ra những chính sách mới để đối phó?
Việc quản lý trong suốt cuộc khủng hoảng đòi hỏi khả năng đưa ra các quyết định quan trọng nhanh hơn bao giờ hết. Những hành động mạnh mẽ trong vài tháng trước có thể không còn đủ để đối phó với những thách thức hiện tại. Do đó, trong lúc này, cách làm việc nên thay đổi.
Xem lại 'chiến lược chủ sở hữu' đối với công ty
- Bạn tập trung đến những giá trị nào trong hành động của mình trong suốt cuộc khủng hoảng?
- Bạn sẽ thực hiện sự cân bằng giữa các đối tác như thế nào? Ví dụ, cách bạn ưu tiên nhu cầu của nhân viên (tiền lương, lợi ích), của khách hàng (luôn không hạn chế, gia hạn tín dụng), và của nhà cung cấp (thanh toán hóa đơn)?
- Bạn có sẵn sàng thay đổi cấu trúc vốn của công ty không? Bạn sẽ tăng giới hạn vay? Bạn có sẵn sàng tái cấp vốn cho công ty không?
- Bạn sẽ giảm cổ tức?
Các chủ sở hữu có quyền và trách nhiệm, xác định thành công nào có ý nghĩa đối với công ty. Điều đó liên quan đến việc cân bằng giữa các mục tiêu khác nhau, tài chính và phi tài chính. Các lãnh đạo công ty cần phải biết điều gì quan trọng nhất để có thể cố gắng hết sức đạt được.
Giao tiếp để duy trì các mối quan hệ tin cậy
- Bạn sẽ giữ liên lạc các thành viên còn lại trong gia đình bằng cách nào?
- Bạn sẽ tiếp tục thông báo về những gì đang xảy ra trong công ty, cũng như chia sẻ các vấn đề và mối bận tâm như thế nào?
- Điều gì nên được chia sẻ cùng nhân viên về tình trạng của công ty và cam kết của bạn đối với nó?
- Bạn sẽ quản lý việc giao tiếp với công chúng và báo chí như thế nào, đặc biệt là nếu như cần đưa ra những quyết định khó khăn?
Một trong những tài sản quý giá nhất của công ty gia đình là các mối quan hệ đáng tin cậy được xây dựng theo thời gian cùng với các thành viên trong gia đình, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, và cộng đồng. Sự tin tưởng luôn đòi hỏi sự minh bạch. Đặc biệt là trong công ty tư nhân, chủ sở hữu công ty cần kiểm soát số lượng thông tin có thể cung cấp cho các đối tác. Hãy giúp lãnh đạo công ty xác định những gì có thể chia sẻ cùng với mỗi bộ phận chính.
Đánh giá hiệu quả việc trao quyền thế hệ kế cận
- Các nhà lãnh đạo hiện tại trong gia đình có cần duy trì lâu hơn vị trí quản lý không? Hay họ cần phải thực hiện phương thức mở đường cho những ý tưởng mới và năng lượng chưa được khai thác?
- Bạn có thể tận dụng cơ hội này để dạy cho thế hệ kế cận về các giá trị và nguyên tắc cốt lõi ra sao?
Các công ty gia đình muốn tồn tại lâu dài qua nhiều thế hệ luôn phải chú ý đến hiện tại và tương lai. Nói chung, cuộc khủng hoảng cũng là thời gian thực hiện các thay đổi nên có trong dài hạn.
Không có cách nào đúng hay sai để giải quyết các vấn đề này. Điều quan trọng là các chủ sở hữu nên hợp tác cùng nhau xem xét lại mỗi điều trong 5 khía cạnh này. Việc sắp xếp rất quan trọng – các công ty có quyền sở hữu được thống nhất có thể hành động dứt khoát, trong khi một công ty không đồng lòng sẽ không đứng vững.
Hãy chấp nhận các cảm xúc và giúp đỡ nhau vượt qua những thăng trầm. Tập trung vào mục đích chung trong việc giúp công ty vượt qua khó khăn. Ở cạnh nhau trong suốt cuộc khủng hoảng hiện tại là việc cần thiết để duy trì những gì đã gầy dựng.
Các công ty gia đình sở hữu các đặc điểm tài chính và phi tài chính cho phép họ cạnh tranh với các loại hình công ty khác trong môi trường bình thường và khủng hoảng. Lãnh đạo các công ty gia đình là những người chủ tuyệt vời, đóng góp tích cực cho cộng đồng, có kỷ luật về tài chính, và tận tâm. Sử dụng sức mạnh quyền sở hữu gia đình sẽ giúp các công ty có nghị lực vượt qua cơn bão hiện tại.