Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục nộp thuế trong thông quan là 50%, trong khi năm 2015 tỷ lệ này là 26%. Với khâu kiểm tra hồ sơ trong thủ tục thông quan, có 25% doanh nghiệp đánh giá là dễ/rất dễ, trong khi năm 2015, tỷ lệ này chỉ là 10%. Hoặc với giải quyết khiếu nại (thủ tục từng khó có thể đạt được mức độ đồng thuận của doanh nghiệp), thì năm 2018, đã có 11% doanh nghiệp đánh giá dễ/rất dễ khi thực hiện, trong khi năm 2015 chỉ là 5%...
. |
Rõ ràng, doanh nghiệp cảm nhận được rằng, ngành hải quan đã nỗ lực rất lớn trong cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức quản lý, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin…
Quan trọng hơn, những cải thiện này thể hiện sự cầu thị lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để ngành hải quan nói riêng và quản lý xuất nhập khẩu nói chung cải cách thực chất hơn.
Nhưng chắc chắn, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ còn phải tiếp tục lắng nghe, tiếp tục cải cách khi tỷ lệ hài lòng trên chưa cao, còn phổ biến ở mức trung bình ở hầu hết các chỉ số.
Cũng phải nói thêm, thủ tục xuất nhập khẩu có thể coi là thủ tục “chào hỏi” của Việt Nam với thế giới. Nếu mức hài lòng của doanh nghiệp ở mức trung bình, thì sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa cao, các nỗ lực cải cách chưa thực sự bứt phá.
Đặc biệt, cần phải quan tâm hơn, không thể bỏ qua tỷ lệ 18% doanh nghiệp thừa nhận là có chi trả chi phí ngoài quy định, 26% doanh nghiệp lựa chọn phương án “không biết” khi được hỏi về chi phí ngoài luồng.
Lý do là dù 56% trong số gần 3.000 doanh nghiệp không chi trả chi phí ngoài luồng khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, nhưng tỷ lệ 18% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức đã ảnh hưởng rất lớn đến mức độ hài lòng chung của doanh nghiệp với cơ quan hải quan. Giữa hai doanh nghiệp tương đồng về loại hình, ngành nghề, quy mô vốn, địa điểm và hình thức thực hiện thủ tục, thì doanh nghiệp phải trả chi phí ngoài quy định sẽ có điểm hài lòng thấp hơn đến 0,76 so với doanh nghiệp khác.
Tương tự là thủ tục tại các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Các doanh nghiệp phải trả chi phí ngoài quy định có điểm hài lòng với thủ tục kiểm tra chuyên ngành thấp hơn.
Song, cũng phải nhấn mạnh rằng, ngành hải quan dù nỗ lực đến mấy, nhưng nếu một mình thì vẫn không đủ, nhất là khi những khó khăn trong thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành.
Ở đây, các bộ, ngành cũng phải có trách nhiệm rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, những cải cách, thay đổi phải áp đặt từ trên xuống, không chờ đợi sự tự nguyện của các bộ, ngành.
Cũng phải nhắc lại rằng, thứ hạng của Chỉ số Thương mại qua biên giới – một chỉ số về thủ tục xuất nhập khẩu, của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019 đã không cải thiện hơn so với năm 2018 khi tụt 6 bậc so với năm 2017, đứng thứ 5 trong ASEAN.
Tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là điều rất quan trọng, bởi sự hài lòng của doanh nghiệp sẽ là điểm tựa để môi trường kinh doanh của Việt Nam thăng hạng bền vững.