Doanh nghiệp mong đợi Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Doanh nghiệp nhất trí hoàn toàn
Công văn của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi Văn phòng Chính phủ để góp ý Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình Cắt giảm giấy phép và Đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 - 2030 ngắn gọn hiếm thấy.
“Sau khi nghiên cứu Dự thảo, VASEP đồng tình và nhất trí hoàn toàn với Dự thảo Nghị quyết”, Văn bản do Tổng thư ký Trương Đình Hòe ký.
Đi kèm với đó, các doanh nghiệp gửi gắm mong muốn Nghị quyết sớm được Chính phủ thông qua và ban hành để hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính liên quan sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân nói chung.
Sự hào hứng và chờ đợi thể hiện rất rõ. “Dự thảo đã bao quát hết các lĩnh vực, vấn đề và đặc biệt là rõ mục tiêu, thời hạn cụ thể. Đây là điều mà các doanh nghiệp luôn trông đợi”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP lý giải khi điểm từng cột mốc trong Dự thảo.
Ví dụ như, năm 2026 sẽ không còn điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể.
Hàng năm, rà soát, bãi bỏ tối thiểu 5% điều kiện đầu tư, kinh doanh không hợp pháp hoặc không còn phù hợp thực tiễn hoặc can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc có thể thay thế bằng biện pháp quản lý khá hiệu quả hơn.
Ngành nghề đầu tư, kinh doanh cũng sẽ thu hẹp để đến năm 2030 chỉ còn nhiều nhất là bằng 80% so với năm 2024, dựa trên việc đáp ứng nguyên tắc quản lý rủi ro và các quy định, tiêu chí của Luật Đầu tư, pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính.
Đặc biệt, Dự thảo đề xuất triển khai thí điểm trước khi nhân rộng quy trình “luồng xanh” trong thực hiện thủ tục hành chính đối với một số loại dự án đặc thù.
Trong đó, năm 2025 sẽ phải hoàn thành, công khai, cập nhật quy trình thực hiện thủ tục hành chính và thí điểm cơ chế luồng xanh đối với một số dự án thuộc các dự án đầu tư nhà ở, công trình giao thông, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, điện tử.
Theo Dự thảo, sau khi Nghị quyết được ban hành, ngày 31/1/2025 sẽ là thời hạn cuối để các địa phương, bộ, ngành ban hành kế hoạch hành động. Xa hơn một chút, cuối quý I/2025, việc rà soát, thống kê các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, đầu tư cũng sẽ phải hoàn thành…
Cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đơn giản, thông thoáng, rõ ràng, minh bạch luôn là mong muốn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh |
Áp lực thực thi tiếp tục lớn
Mặc dù thủ tục hành chính vẫn là một trong những khó khăn lớn trong danh mục các thách thức của doanh nghiệp đang đối mặt, song khu vực doanh nghiệp tư nhân chịu gánh này nặng hơn khá nhiều so với khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10 vừa qua, 44,5% doanh nghiệp tư nhân nhắc đến rào cản này, trong khi chỉ khoảng 35% doanh nghiệp nhà nước và 39% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có cùng suy nghĩ.
Khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; 61,36% doanh nghiệp còn phải trả chi phí không chính thức cao trong hoạt động cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện…
Đặc biệt, những phiền hà về cấp phép kinh doanh là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Vấn đề là, trong ý kiến góp ý của VCCI tới Văn phòng Chính phủ, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI đã nhắc tới thực trạng, thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp tham gia quá trình soạn thảo và ban hành các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh còn rất hạn chế.
Có nguyên nhân là các phương án trên không phải là văn bản quy phạm pháp luật và phải tuân thủ quy trình xây dựng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghĩa là việc lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp là không bắt buộc. Nhưng những nội dung trong các phương án rà soát của các bộ, ngành lại tác động trực tiếp đến cộng đồng kinh doanh.
Mặc dù trong Dự thảo, yêu cầu tham vấn ý kiến doanh nghiệp đang được quy định khá chi tiết, như thường xuyên đối thoại, tiếp nhận, thu thập ý kiến các hiệp hội doanh nghiệp, đối tượng tuân thủ về giấy phép không cần thiết, về các bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính…, song VCCI cho là chưa đủ.
Cụ thể, VCCI đề nghị bổ sung yêu cầu các cơ quan rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa phải lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và có trách nhiệm giải trình đối với các ý kiến góp ý.
“Việc tham vấn đầy đủ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến vào các phương án rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa của các bộ, ngành sẽ khiến hoạt động này trở nên thực chất và hiệu quả”, ông Đậu Anh Tuấn gửi kiến nghị.
Thậm chí, VCCI còn đề nghị đặt riêng tỷ lệ mục tiêu của tiêu chí cắt giảm giấy phép và chuyển hình thức thông báo hoặc cấp phép tự động, thay vì gộp chung như trong Dự thảo. Lý do được đưa ra là, cắt giảm là bãi bỏ giấy phép, còn chuyển hình thức là giấy phép vẫn tồn tại, dù thủ tục thực hiện được đơn giản, thuận tiện hơn.
Những tồn tại trong việc thực hiện Chương trình Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 được ban hành theo Nghị quyết 68/2020/NQ-CP có thể là lý do cho các đề xuất trên.
Trong Dự thảo Tờ trình của Văn phòng Chính phủ gửi Chính phủ, phần đánh giá chung đã ghi rõ, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thời gian qua vẫn tập trung chủ yếu ở đơn giản bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính, gồm hồ sơ, giấy tờ, giảm thời gian thực hiện.
Số lượng thủ tục hành chính được cắt giảm còn khiêm tốn, từ đầu năm 2021 đến nay mới cắt giảm được 431 thủ tục hành chính. Cụ thể, đầu năm 2021, cả nước có 6.778 thủ tục hành chính; đến tháng 9/2024, còn 6.347 thủ tục.
Trong đó, số lượng thủ tục hành chính về cấp phép (gia nhập thị trường hoặc thực hiện một số hoạt động cụ thể trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh) còn rất lớn, với 5.138 thủ tục, chiếm 81,6% tổng số thủ tục hành chính của cả nước.
Đặc biệt, việc cải cách ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành có xu hướng chững lại.
Thực trạng này khiến hoạt động kinh doanh vẫn còn nhiều rủi ro, mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí thực hiện. Điều này đồng nghĩa, áp lực thực hiện trong giai đoạn tiếp theo của các bộ, ngành còn rất lớn.
Phấn đấu đến năm 2030, giảm tối thiểu 30% giấy phép, 50% thủ tục hành chính nội bộ trong hoạt động cấp phép; 100% thông tin, giấy tờ, tài liệu trong thủ tục cấp phép chỉ cung cấp một lần cho cơ quan nhà nước; số hóa, cung cấp 100% thủ tục hành chính về cấp phép trên môi trường điện tử.
Nguồn: Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình Cắt giảm giấy phép và Đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030