Vấn đề mấu chốt các doanh nghiệp cần quan tâm để xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả hơn, đặc biệt là giai đoạn hội nhập AEC và TPP, theo bà là gì?
Với đặc thù là quốc gia có văn hóa trọng lối sống cộng đồng, các chính sách nhân sự (HR) khi đưa vào kế hoạch, hay triển khai đều cần lấy yếu tố con người làm trọng tâm.
Trong nhiều lần đối thoại của tôi với các chủ doanh nghiệp hay lãnh đạo của các phòng ban, tôi nhận thấy, ngày càng nhiều công ty chú trọng vào đầu tư cho chính sách quản trị con người, ở tất cả các cấp bậc. Và con người, chứ không phải là công nghệ hay hệ thống, mới chính là yếu tố quyết định sự phát triển, thành công của một doanh nghiệp.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet - Công ty chuyên cung cấp các giải pháp nhân sự |
Phần lớn các mô hình quản trị nhân sự đều đã và đang được “địa phương hóa” theo các mô hình đi trước của các doanh nghiệp nước ngoài. Theo quan sát của bà, mức độ sáng tạo các chính sách mới “made in Vietnam” chiếm bao nhiêu % và có gì nổi bật?
Điều này phụ thuộc nhiều vào quy mô và năng lực của từng tổ chức doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu lấy mẫu số chung của các doanh nghiệp tham gia Vietnam HR Awards 2016 (quy mô từ 100 nhân viên trở lên), có thể nói, mức độ sáng tạo ra các hoạt động, chính sách nhân sự tại Việt Nam chiếm đến hơn 50%.
Đặc biệt, ở các tập đoàn đa quốc gia, nhiều chính sách quản trị nhân sự còn được tạo ra và đóng mác 100% từ chính bộ phận HR Việt Nam, nếu không xét đến việc tận dụng các bộ khung về biểu mẫu, hệ thống từ các chi nhánh vùng sẵn có. Ở cương vị là một thành viên trong Hội đồng thẩm địnhcủa Vietnam HR Awards 2016, tôi rất tự hào khi biết nhiều chính sách quản trị HR “made in Vietnam” trở thành hình mẫu cho các văn phòng chi nhánh quốc tế noi theo. Rõ ràng là chúng ta không chỉ đang tạo ra sự khác biệt, mà còn là tạo nên những hình mẫu so với các nước trên thế giới.
Lãnh đạo doanh nghiệp cần lưu ý điều gì khi đề xuất và áp dụng các hình thức quản trị nhân sự tại Việt Nam?
Với người Việt Nam, trong các mối quan hệ xã hội, cảm xúc đóng vai trò khá quan trọng. Quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới tại nơi làm việc cũng không phải ngoại lệ. Yếu tố “con người” vì thế luôn cần được xét đến khi áp dụng các chính sách về nhân sự, nếu không nói cần được coi là một trong những nền tảng của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa, cách thức vận hành, tổ chức, đánh giá và các hoạt động công ty cần mang lại giá trị kết nối, giúp nhân viên có cảm giác mình là một phần của tổ chức, thay vì chỉ đơn thuần coi công ty là nơi làm việc ngày 8 tiếng.
Điểm hạn chế trong vấn đề quản trị con người của các doanh nghiệp tại Việt Nam là gì?
Có thể nhìn nhận những hạn chế của vấn đề này ở 3 khía cạnh sau:
Quản trị nhân sự chưa hoàn toàn song hành với chiến lược kinh doanh, khi phần lớn các công ty tại Việt Nam còn đánh giá thấp vai trò của HR trong việc tạo ra bước tiến kinh doanh của mình, chưa coi đây là một phần thiết yếu trong các hoạch định chiến lược của công ty. Tiếp đó, chiến lược phát triển năng lực của tổ chức chưa bao quát khi chưa nhìn nhận cấu trúc tổ chức, nguồn lực lao động và văn hóa công ty là một thể thống nhất, các doanh nghiệp sẽ rất khó phát triển lâu, dài và bền vững. Và mức độ tương tác giữa đội ngũ điều hành, các lãnh đạo phòng ban và nhân viên HR thiếu sự sâu sát, kết nối.
Chia sẻ những tác động tích cực mà Vietnam HR Awards mang lại kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2014?
Được sự hỗ trợ và đồng hành tổ chức từ Bộ thương binh, lao động và xã hội từ năm 2014, Vietnam HR Awards ngay từ khi “chào sân” đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực ngoài mong đợi của Talentnet. Giải thưởng không chỉ là cơ hội để cộng đồng HR cùng nhìn lại, đánh giá hiệu quả của mình đối với tổ chức, mà còn là cơ hội học hỏi lẫn nhau với tinh thần cùng phấn đấu để phát triển. Nếu trước đây với nhiều doanh nghiệp, HR được xem là bộ phận hậu phương còn thầm lặng, thì trong 3 năm trở lại đây, HR đang dần trở thành một nhân tố hạt giống cho sự phát triển. Ngày càng có nhiều CEO, chủ tịch của các doanh nghiệp hàng đầu chú trọng đầu tư vào việc quản trị con người.
Những mục tiêu Vietnam HR Awards muốn mang đến cho thị trường (xét ở góc độ doanh nghiệp, người lao động…)
Ở vai trò là đơn vị tổ chức, chúng tôi muốn cuộc thi ngày càng mang tính lan tỏa cao, trở thành một sân chơi thường niên hữu ích cho các doanh nghiệp, nâng cao chuẩn mực của công tác quản trị nhân sự tại Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tốt hơn, bền vững hơn. Ngoài ra, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ những chính sách nhân sự tốt nhất của mình để cùng nhau học hỏi và vươn lên vững mạnh hơn. Với lợi thế là một giải thưởng được kết nối và hỗ trợ với chính phủ, chúng tôi cũng hy vọng giải thưởng là kênh thông tin hữu ích giúp các doanh nghiệp được lắng nghe , được hỗ trợ tốt hơn từ các cấp quản lý nhà nước.
Điểm cốt lõi của các doanh nghiệp được vinh danh về chính sách nhân sự xuất sắc trong khuôn khổ Vietnam HR Awards 2016 là gì? Có thể coi đó là yếu tố nền tảng để nâng cấp chất lượng quản trị nhân sự hiện nay không?
Như có chia sẻ, mẫu số chung của các chính sách nhân sự được đánh giá là xuất sắc tại Vietnam HR Awards 2016 chính là sự đột phá, vượt ra khỏi khuôn khổ, lối mòn, mang nhiều tính kiến tạo của chính các doanh nghiệp Việt, thay vì chỉ áp dụng các hình mẫu nước ngoài như trước kia. Các chính sách này cũng cho thấy tính thích ứng kịp thời đối với yêu cầu tăng trưởng của doanh nghiệp, đồng thời thỏa mãn được nhu cầu phát triển tay nghề, nâng cao chuyên môn cũng như chất lượng cuộc sống của nhân viên.