- Thông tin về dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây vừa được khánh thành
- Thông tin về dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 vừa được khánh thành
- Chính thức khánh thành cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45
- Thêm 2 đoạn cao tốc thông xe, trục Bắc - Nam có 800 km đường cao tốc
Việc triển khai đúng kế hoạch 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua và có thể thêm 2 dự án thành phần khác vào dịp 19/5/2023 không chỉ giúp Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giữ đúng cam kết với Quốc hội, Chính phủ, mà còn mang lại cho ngành này “cẩm nang”, tập hợp những kinh nghiệm quý khi thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025 - vốn được đánh giá là đầy khó khăn và thách thức.
Trên thực tế, dù đã đạt được những thành công nhất định tại các dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhưng ngành GTVT vẫn đang chịu nhiều áp lực trong lộ trình hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.
Tính đến cuối tháng 4/2023, tức đã đi qua hơn một nửa quỹ thời gian của nhiệm kỳ, cả nước mới hoàn thành 1.580 km cao tốc. Nếu tính cả 6 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến thông xe từ nay đến cuối năm 2023, thì trong 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 - 2025, cả nước cũng chỉ xây dựng được khoảng 700 km đường cao tốc, bình quân mỗi năm đưa vào khai thác được 233 km.
Như vậy, từ nay tới cuối nhiệm kỳ, chúng ta phải hoàn thành gần 1.500 km cao tốc nữa. Nếu tính bình quân mỗi năm, cả nước phải hoàn thành thêm ít nhất 500 km (gấp đôi tốc độ hiện nay), thì mới có thể hoàn thành kế hoạch đưa vào khai thác 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.
Dù tiến trình đầu tư hệ thống cao tốc được đẩy lên rất nhanh, nhưng tốc độ này vẫn chưa thỏa “cơn khát” đường cao tốc của nền kinh tế cũng như các mục tiêu đề ra. Do vậy, cần phải đi nhanh hơn nữa, phải tạo nên câu chuyện thần kỳ mới trong phát triển đường cao tốc tại Việt Nam.
Tại lễ khánh thành 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông hôm 29/4 và lễ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào sáng 1/1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tục hối thúc ngành GTVT phải quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo hơn trong phát triển những tuyến “đại lộ - đại phú” theo đúng tinh thần “không nói không, không nói khó, phải quyết liệt làm, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và đã làm phải có sản phẩm hiệu quả, cân đong đo đếm được cụ thể rõ ràng”.
Cần phải nói thêm rằng, hiện Bộ GTVT đã không còn đơn độc trong hành trình xây dựng hệ thống đường cao tốc do đã nhận được sự “chia lửa” từ nhiều chính quyền địa phương.
Tại Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 28/7/2022 về phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho nhiều địa phương thực hiện vai trò chủ đầu tư nhiều công trình cao tốc lớn. Tuy nhiên, trong số các địa phương được giao trọng trách nói trên, không ít đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai các đại dự án có quy mô vốn lớn, phức tạp về trình tự thủ tục lại bị nén trong khoảng thời gian rất ngắn.
Điều đáng nói là, dù có nhiều đột phá trong cải cách thủ tục đầu tư, được Quốc hội, Chính phủ thường xuyên quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng quá trình chuẩn bị, triển khai dự án đầu tư với hàng loạt khâu vừa khó, vừa nhạy cảm, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa từ hai vụ trở lên; công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án đường bộ cao tốc với quy mô phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao… Đặc biệt là cách hiểu về các thủ tục khi giao mỏ vật liệu trực tiếp cho nhà thầu thi công dự án cao tốc còn chưa thống nhất.
Đây thực sự là những “ma trận” về thủ tục không dễ tìm được lời giải đúng, nhanh, trong khi năng lực của đội ngũ cán bộ thẩm định, ban quản lý dự án tại địa phương hiện chưa đồng đều, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai dự án cao tốc.
Yêu cầu cấp bách lúc này là cần sớm lan tỏa những bài học kinh nghiệm quý của Bộ GTVT trong triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam, nhằm khắc phục sự thiếu hụt kinh nghiệm trong giai đoạn đầu thực hiện dự án cho các địa phương. Quan trọng hơn, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần sớm xây dựng quy trình chuẩn mực, tạo cơ sở pháp lý giúp các địa phương và nhà thầu vững tin tập trung đẩy nhanh tiến trình đầu tư hệ thống đường cao tốc thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh, việc “được làm đúng” hiện là nhu cầu cao nhất của các chủ đầu tư, đơn vị thi công.