Luật Xây dựng và các luật khác có nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn nhau
khó thực hiện, vì vậy, cần phải có sự nghiên cứu thiết lập lại hệ thống luật nói chung
và hệ thống luật trong hoạt động xây dựng nói riêng
Sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông giữa các luật
Trong một cuộc hội thảo gần đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đến tính cần thiết phải ban hành Luật Xây dựng (sửa đổi).
Luật Xây dựng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2004. Để thực hiện Luật Xây dựng, Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định hướng dẫn thực hiện.
Qua hơn 8 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực, Luật Xây dựng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng… từ đó dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, công tác quy hoạch xây dựng vẫn chưa thực sự đi trước một bước làm cơ sở cho phát triển đầu tư xây dựng; hiện tượng các dự án đầu tư xây dựng thực hiện không theo tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo, không hiệu quả còn diễn ra, làm chậm tiến độ, lỡ cơ hội đầu tư; việc quy định trách nhiệm của các chủ thể chưa rõ ràng, chưa có các chế tài xử lý sai phạm đủ mạnh…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại này, theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, là do hệ thống pháp luật điều chỉnh những vấn đề về đầu tư xây dựng chưa thống nhất, chưa điều chỉnh kịp thời; vai trò quản lý nhà nước chưa được coi trọng đúng mức; việc quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước chưa chặt chẽ, dẫn tới nhiều dự án đầu tư chất lượng không đảm bảo, tiến độ kéo dài, hiệu quả thấp.
Do đó, theo đại diện một số bộ, ngành, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) cần được xem xét kỹ về phạm vi điều chỉnh hoặc cần tham chiếu phù hợp với các luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo trong quy định về quản lý đầu tư xây dựng.
Nên bỏ các nội dung về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng
Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đang xem xét để thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) thay thế Luật Đấu thầu hiện hành theo hướng tập trung các quy định về đấu thầu, tạo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu. Chính phủ cũng đã thông qua dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 13/9/2012. Theo đó, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bãi bỏ các nội dung về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng của Luật Xây dựng.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh năm 2011 (gồm 16 luật và gần 200 văn bản dưới luật liên quan), cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị bãi bỏ các nội dung về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng của Luật Xây dựng. Thực tiễn quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều vướng mắc vì phải tuân thủ theo cả Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng mà nội dung lại quy định không thống nhất.
Hơn nữa, vì đấu thầu được coi là một lĩnh vực chuyên môn nên thông lệ nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc, Australia… đều ban hành Luật Đấu thầu (hay là Luật Mua sắm công) nhằm tập trung, thống nhất điều chỉnh tất cả các hoạt động mua sắm, sử dụng vốn nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu rõ quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bãi bỏ toàn bộ các nội dung liên quan đến lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Cụ thể là bãi bỏ toàn bộ Chương VIII dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi); bỏ cụm từ “lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng” quy định tại Khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật; bỏ cụm từ “dàn xếp trong đấu thầu nhằm vụ lợi, mua bán thầu, thông đồng trong đấu thầu” quy định tại Khoản 7 Điều 12 dự thảo Luật do đây là một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu đã được quy định cụ thể trong Luật Đấu thầu; bỏ quy định tại các Khoản 28, 29, 30, 31 Điều 3 dự thảo Luật do pháp luật đấu thầu đã định nghĩa cụ thể về nhà thầu, nhà thầu chính, nhà thầu phụ và bỏ cụm từ “lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng” quy định tại Khoản 5 Điều 120 dự thảo Luật.
Trao đổi về nội dung này, ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, Luật Xây dựng và các luật khác có nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn nhau khó thực hiện. Trong đó 2 vấn đề đặc biệt quan trọng là công tác lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Vì vậy, cần phải có sự nghiên cứu thiết lập lại hệ thống luật nói chung và hệ thống luật trong hoạt động xây dựng nói riêng.
Thảo Khánh