Cảng hàng không Điện Biên hiện hữu. Ảnh: A.M |
Nhiệm vụ kép
Có tới 3 bộ, ngành đang có chung lo ngại liên quan đến hiệu quả đầu tư Dự án Cảng hàng không Điện Biên do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) là nhà đầu tư.
Trong Công văn số 760/BKHĐT-GSTĐĐT gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và ACV vào đầu tháng 2/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị đơn vị đang được đề xuất làm chủ đầu tư Dự án Cảng hàng không Điện Biên giải trình về hiệu quả đầu tư công trình.
Lo ngại này là có cơ sở, bởi theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án do ACV trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công trình đầu tư xây dựng cảng hàng không lớn nhất khu vực Tây Bắc, hiệu quả tài chính dự án (IRR) chỉ đạt 3,12%, chỉ tiêu giá trị hiện tại thuần (NPV) là âm 855 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn hơn 50 năm.
Với các chỉ tiêu tài chính nói trên, Dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, không phù hợp với yêu cầu, quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc bảo toàn và phát triển vốn. Đây là điều khá nhạy cảm với ACV – đơn vị mà cổ đông Nhà nước đang nắm tới 95,4% vốn điều lệ.
Tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ACV giải thích rằng, Dự án có hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương; đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng và cơ động xử lý các tình huống của khu vực Tây Bắc. Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Điện Biên vừa là nhiệm vụ kinh tế, vừa là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung này cũng đã được lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh Điện Biên thống nhất trong quá trình xem xét định hướng đầu tư Cảng hàng không Điện Biên.
“Tuy nhiên, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án chưa tính toán được các chỉ số lượng hóa các yếu tố đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội”, Công văn số 760/BKHĐT-GSTĐĐT nêu rõ.
Theo đề xuất của ACV, đơn vị đang khai thác 21 cảng hàng không sẽ tận dụng nhà ga hành khách hiện hữu tại cảng hàng không Điện Biên có công suất khoảng 300.000 lượt hành khách/năm để cải tạo, mở rộng, đảm bảo khai thác khoảng 500.000 lượt hành khách/năm. Với quy mô như trên, tổng mức đầu tư của Dự án Cảng hàng không Điện Biên chỉ còn 1.603 tỷ đồng, trong đó, chi phí đầu tư khu bay là 999,4 tỷ đồng, chi phí khu hàng không dân dụng là 256 tỷ đồng, phần còn lại là dự phòng phí.
Cần cơ chế đặc thù
Mặc dù ủng hộ việc sớm đầu tư Dự án Cảng hàng không Điện Biên, nhưng trong Công văn số 1196/BTC-ĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi công trình, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra những khuyến nghị liên quan đến khả năng cân đối dòng tiền của ACV.
Theo ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ACV đang được giao thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp 21/22 cảng hàng không, nhà ga thuộc phạm vi quản lý, cũng như đang được giao thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I (tổng mức đầu tư 109.111 tỷ đồng), Dự án Xây dựng Cảng hàng không Nà Sản (tổng mức đầu tư hơn 2.295 tỷ đồng), Dự án Mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (tổng mức đầu tư 4.051,4 tỷ đồng)...
Bộ Tài chính đề nghị ACV rà soát kỹ kế hoạch sản xuất - kinh doanh, kế hoạch đầu tư 5 năm 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để phân kỳ, cân đối nguồn vốn (nhất là từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp) để thực hiện Dự án, đảm bảo tính khả thi và an toàn tài chính.
Được biết, do tác động của Covid-19, dự kiến dòng tiền tích lũy sản xuất - kinh doanh của ACV năm 2021 thấp hơn tổng nhu cầu vốn đầu tư của đơn vị này (10.691/12.345 tỷ đồng). Dòng tiền tích lũy sẽ còn giảm sâu, nếu tình hình Covid-19 không được khống chế trên phạm vi toàn cầu.
Được biết, theo quan điểm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMCS) - đơn vị đang đại diện cho Nhà nước nắm 95,4% vốn điều lệ tại ACV, tính khả thi tài chính là điểm gợn lớn nhất tại đề xuất đầu tư Dự án Cảng hàng không Điện Biên.
“Trong trường hợp giao ACV đầu tư, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực an ninh, quốc phòng mang lại từ Dự án (không đánh giá hiệu quả tài chính của Dự án)”.
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp