Ngân hàng
Cần chính sách để vốn ngân hàng “nằm kho” được giải phóng, bơm ra nền kinh tế
Hà Tâm - 09/12/2022 09:14
Quyết định nới room tín dụng mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là rất kịp thời, song sẽ không nhiều ý nghĩa một khi ngân hàng không có vốn để cho vay.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại kỳ vọng, cùng với quyết định nới room, NHNN sẽ giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản, giúp một lượng lớn vốn “nằm kho” được giải phóng và bơm ra nền kinh tế.

Nhìn tổng thể, việc nới room tín dụng khi nền kinh tế bước vào giai đoạn cao điểm cuối năm là rất hữu ích với doanh nghiệp. Thêm 1,5-2% room tín dụng được nới, cộng với 1,8% room cũ chưa sử dụng hết, riêng trong tháng 12/2022, số vốn mà ngân hàng có thể cho vay ra nền kinh tế xấp xỉ 400.000 tỷ đồng. Dư địa tăng trưởng tín dụng là vậy, song việc ngân hàng thương mại có nguồn vốn để cho vay hay không lại là câu chuyện khác.

Số liệu tổng hợp các báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, có tới 11 ngân hàng đang có chênh lệch huy động - tín dụng âm (cho vay nhiều hơn huy động). Sau “sự cố SCB”, thanh khoản nhiều ngân hàng nhỏ càng thêm mỏng. 

Làn sóng tăng lãi suất huy động vẫn chưa dừng lại. Cuối tháng 11/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phải kêu gọi các tổ chức tín dụng thành viên hợp tác, hỗ trợ nhau, chung tay vượt qua khó khăn.

Có thể nói, thanh khoản là vấn đề thách thức hiện nay, không chỉ với doanh nghiệp, mà với cả ngân hàng. Nới room tín dụng là điều kiện cần, song chưa đủ để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn. Cùng với mở room, cơ quan quản lý cũng phải có biện pháp tạo nguồn, tăng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.

Cách dễ nhất để tăng thanh khoản cho ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, song điều này lại đe dọa sự phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nếu muốn ghìm giữ lãi suất, cách tạo thêm nguồn vốn để ngân hàng cho vay trong bối cảnh hiện nay chính là giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản, đồng nghĩa giải phóng một nguồn vốn lớn đang “nằm kho” không thể lưu thông.

Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) tối đa ở mức 85% - tức các ngân hàng phải dự trữ tới 15% thanh khoản. Nhiều năm qua, các ngân hàng đã kiến nghị NHNN giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản này xuống 10%, nâng LDR lên 90%. Được biết, các sửa đổi này đang được NHNN cân nhắc. Nếu sửa đổi sớm, ngân hàng thương mại có thể có thêm vốn để cho vay mà không cần phải tăng lãi suất huy động. 

Tuy vậy, ngay cả khi NHNN giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thì cũng chỉ gỡ được khó khăn trước mắt về thanh khoản. Một khi thị trường trái phiếu và bất động sản chưa được gỡ khó, thì thanh khoản của nền kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng vẫn sẽ là vấn đề nan giải trong năm 2023.

NHNN đang rất thận trọng cân nhắc bài toán room tín dụng cho năm 2023. Chưa biết room tín dụng mới mà NHNN cấp cho năm tới là bao nhiêu, song chắc chắn, cùng với việc room tín dụng cho năm mới được mở ra, áp lực vốn với hệ thống ngân hàng sẽ gia tăng.

Để tránh tình trạng tăng trưởng giật cục như năm nay, ngay từ đầu năm tới, NHNN nên phân bổ “cứng” room tín dụng cả năm cho các ngân hàng, tránh tâm lý cho vay ồ ạt nửa đầu năm, rồi gây sức ép nới room nửa cuối năm như năm nay. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần có công cụ hiệu quả hơn để nắn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên.

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô diễn ra vào đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tín dụng cần tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.  

Đối với toàn bộ nền kinh tế, nới room tín dụng hiện cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Chỉ riêng tín dụng không thể giải quyết được khó khăn thanh khoản của nền kinh tế, mà phải bằng nhiều biện pháp đồng bộ, bao gồm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tháo gỡ “ngòi nổ” thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lấy lại niềm tin trên thị trường chứng khoán, gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản…

Cuối cùng, trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết, các ngân hàng phải hết sức chia sẻ với doanh nghiệp và nền kinh tế. Nếu huy động vốn bằng mọi giá, thì mặt bằng lãi suất tiếp tục bị đẩy lên cao, nền kinh tế sẽ lâm vào khó khăn và hẳn nhiên, chính ngân hàng cũng sẽ hứng chịu những tác động bất lợi.

Tin liên quan
Tin khác