Ngân hàng
Cần cơ chế nuôi dưỡng tín dụng tiêu dùng
Chí Tín - 24/05/2018 08:12
Tại Tọa đàm “Tài chính tiêu dùng: An toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 22/5 tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến giá trị cho kênh tài chính tiêu dùng phát triển an toàn, hiệu quả.

Tín dụng tiêu dùng vào độ chín

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, thị trường tài chính tiêu dùng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao. Điều này thể hiện nỗ lực của các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng trong việc đưa ra những sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu lớn về tài chính phục vụ mục đích tiêu dùng của người dân.

Tọa đàm “Tài chính tiêu dùng: An toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng”. Ảnh: Chí Cường

Thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển trong khoảng 20 năm vừa qua và phát triển khá mạnh trong 5 năm trở lại đây. Hoạt động kinh tế này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (gồm cả việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt…

Đến cuối tháng 12/2017, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chiếm khoảng 17% tổng dư nợ, tăng 32,5% so với tháng 1/2017, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng khoảng 18% của tổng dư nợ toàn hệ thống trong cùng thời kỳ.

Trong quá trình hình thành và phát triển, thị trường tài chính tiêu dùng cũng đang ngày càng chuyên nghiệp hóa với sự tham gia sâu của các công ty tài chính tiêu dùng chuyên biệt.

Trên thị trường, hiện có 2 công ty tài chính tiêu dùng có vốn đầu tư nước ngoài là Home Credit và Prudential Finance. Trong khi đó, một số công ty tài chính hình thành từ vốn trong nước cũng đã tìm kiếm các đối tác nước ngoài để tận dụng nguồn vốn và kinh nghiệm quốc tế. Điển hình như HD Finance nhận góp vốn đầu tư chiến lược từ tập đoàn tài chính Credit Saison (Nhật Bản) vào tháng 4/2015, Công ty Tài chính TNHH MTV MB bán lại 49% vốn cho đối tác Shinsei Bank (Nhật Bản) vào tháng 11/2016…

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn, kiêm Giám đốc Trung tâm Huy động nguồn vốn FE Credit cho biết, từ năm 2016 đến nay, FE Credit đã vay và giải ngân khoảng 350 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài. Đó là các khoản vay song phương và vay hợp vốn từ các định chế tài chính như Credit Suisse, Deutsche Bank, Lion Asia và khoảng 15 ngân hàng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến nay, khoản vay của FE Credit cũng là khoản vay có giá trị lớn nhất mà Deutsche Bank và Credit Suisse cấp cho một công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.

Cần cơ chế tốt để nuôi dưỡng

Sự phát triển nhanh của thị trường tài chính tiêu dùng thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu hình thành một hệ thống cơ chế toàn diện và minh bạch để khai thác tối ưu những mặt tích cực của tín dụng tiêu dùng và hạn chế các tác động tiêu cực của hoạt động này.

Tính đến cuối năm 2017, quy mô của tín dụng được cung ứng bởi hệ thống các tổ chức tín dụng đã lên đến 6,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP. Trong cơ cấu tín dụng tiêu dùng, cho vay để mua - sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52,9%.
Tăng trưởng một số mảng tín dụng tiêu dùng trong năm 2017:
+ Cho vay mua, sửa chữa nhà: 76,5%.
+ Cho vay trang thiết bị gia đình: 6,5%
+ Cho vay mua phương tiện đi lại: 35,2%.
(Nguồn: Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân)

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhìn nhận, đối với người cho vay, có thể có rủi ro hệ thống. Hiện nay, các tổ chức chuyên nghiệp có các công cụ kiểm soát những vấn đề này, nhưng những rủi ro đến từ người đi vay rất đa dạng. Một trong những rủi ro thông thường có thể nhận thấy là: trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng tốt, người dân có thể đánh giá cao về khả năng dòng tiền tương lai; tuy nhiên, khi có bất cứ yếu tố bất ổn của nền kinh tế khiến dòng tiền tương lai không đạt kỳ vọng, sẽ dẫn đến rủi ro mất khả năng chi trả. 

Do đó, quy định về tín dụng tiêu dùng bao giờ cũng chặt chẽ hơn so với tín dụng doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những giải pháp, trong đó quy định về hợp đồng rất rõ ràng và quy định về lãi suất linh hoạt để có thể điều chỉnh được theo từng thời kỳ. Ông Tú Anh cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động vay và cho vay.

Một nội dung khác cũng rất quan trọng, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư. Việc này không chỉ giúp cho các công ty tài chính tiêu dùng có thể hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn, mà còn giúp cho tất cả các tổ chức tín dụng khác đưa ra được những sản phẩm, dịch vụ dựa trên công nghệ số (ngân hàng số, nhận diện số, phân tích khách hàng…) để mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

“Bên cạnh đó, các công ty tài chính cũng cần xây dựng và thường xuyên đánh giá các kịch bản rủi ro cho từng trường hợp biến động thị trường để có thể lường đón trước và kiểm soát rủi ro”, ông Lực nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác