Ngân hàng - Bảo hiểm
Xâu xé miếng bánh tín dụng tiêu dùng: Cần hành lang pháp lý để tránh rơi vào bẫy vay nóng
Thùy Liên - 22/01/2018 08:21
Tăng trưởng tới 65% trong năm 2017, tín dụng tiêu dùng đang là thị trường khiến bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải thèm khát. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên thị trường này sẽ ngày càng quyết liệt, khi ngoài ngân hàng và công ty tài chính, đã có sự góp mặt của nhiều fintech.

Chia nhau miếng bánh tỷ USD

Theo các chuyên gia ngân hàng, dư nợ tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam ước đạt gần 1 triệu tỷ đồng tính đến hết năm 2017.

Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tín dụng tiêu dùng đang tăng trưởng khá nóng (tăng 65% năm 2017). Tuy vậy, giới chuyên gia nhận định, dù tăng trưởng chóng mặt, song tỷ lệ tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn thấp và vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Giao dịch tại Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Hana

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhận định: “Ở Việt Nam, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng so với thu nhập bình quân đầu người còn thấp (khoảng 1 triệu đồng/người, trong khi thu nhập bình quân khoảng 2.200 USD). Như vậy, dư địa phát triển của tín dụng tiêu dùng nước ta còn rất lớn”.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tín dụng tiêu dùng mới chiếm tỷ lệ 16% tổng dư nợ nền kinh tế (7 triệu tỷ đồng). Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 20%, ở các nước ASEAN-5 là 34%.

Trong số 1 triệu tỷ đồng cho vay tiêu dùng hiện nay, ngân hàng thương mại chiếm thị phần chính (khoảng 90%), chủ yếu là cho vay mua nhà, mua ô tô. Các công ty tài chính và các thành phần khác tuy phát triển bùng nổ mấy năm gần đây, song tổng dư nợ chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, chủ yếu cho vay các món nhỏ.

Tuy nhiên, một loại hình cho vay mới xuất hiện trên thị trường, nhắm vào cả đối tượng cá nhân và doanh nghiệp, có thể sẽ vẽ lại miếng bánh thị phần, đó là các công ty cho vay ngang hàng (P2P). Tuy chưa doanh nghiệp P2P nào được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp phép hoạt động, song vài năm gần đây, đã có 5 - 6 công ty P2P ra đời dưới “mác” công ty tư vấn đầu tư.

Trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, mô hình này phát triển rất mạnh mẽ với quy mô tín dụng hàng trăm tỷ USD. Hiểu nôm na, đây là mô hình kinh tế chia sẻ, kết nối trực tiếp người có tiền và người cần vốn mà không qua ngân hàng. Nhờ vậy, người có tiền được hưởng lãi cao hơn ngân hàng, trong khi người vay “dưới chuẩn” vẫn có thể vay vốn và vay với lãi suất hợp lý.

Sự xuất hiện của các đối thủ mới P2P khiến nhiều công ty tài chính lo ngại. Đại diện HD Saison từng đề nghị NHNN “để ý” mô hình này, đặc biệt là các công ty “mượn tiếng đổi mới, có thể dồn người vay vào tình cảnh mất khả năng trả nợ”.

Cần hành lang pháp lý mới

Hiện trên thị trường đã xuất hiện một số P2P, điển hình là Lendbiz - tập trung cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tima (cho vay cá nhân)… Sự xuất hiện của các các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (fintech) này mở ra kênh tiếp cận vốn mới cho những khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng.

Công ty P2P không cạnh tranh trực tiếp, mà bổ sung cho ngân hàng, bởi P2P đi vào phân khúc khách hàng mà ngân hàng không phủ tới”.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc LendBi

Tuy vậy, TS. Lê Đăng Doanh cũng cảnh báo, cần phải kiểm soát chặt chẽ để tránh sự phát triển biến tướng. Thực tế, trên thị trường đã xuất hiện những công ty cho vay tiêu dùng với lãi suất cắt cổ, như hệ thống cầm đồ F88.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nên khuyến khích cho vay tiêu dùng, song cũng phải kiểm soát để tránh cho vay nóng. Bên cạnh đó, từ đặc thù cho vay tiêu dùng của ngân hàng và công ty tài chính khác nhau, đối tượng phục vụ khác nhau, trên thị trường lại xuất hiện thêm nhiều loại hình cho vay mới…, không nên “gộp” quản lý ngân hàng thương mại và công ty tài chính, fintech vào một khung pháp lý cho vay tiêu dùng chung như hiện nay, mà phải có hành lang pháp lý riêng cho hai loại hình này. Đồng thời, cũng cần có hành lang pháp lý thí điểm cho hình thức P2P.

Riêng với mô hình P2P, nhiều quan điểm cho rằng, đây là một sáng tạo của nền kinh tế số và là xu hướng không thể cấm. Trong bối cảnh tỷ lệ tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp còn thấp như nước ta, đây cũng là mô hình nên khuyến khích. Tuy vậy, cần có biện pháp kiểm soát những công ty biến tướng. Đồng thời, cần có quy định yêu cầu các doanh nghiệp P2P “phong tỏa” nguồn vốn chưa được giải ngân từ những người gửi tiền tiết kiệm/đầu tư và sắp xếp cho bên thứ ba quản lý dư nợ cho vay nếu họ ngừng giao dịch, hoặc có thể tiến hành cho mua bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi của chủ đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác