Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia tại phiên họp thứ 11. |
Chưa đủ thuyết phục
Cuối tuần qua, trong phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và 3 dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Cả 5 dự án đều là dự án quan trọng quốc gia, vì thế phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Với sự cần thiết của cả 5 dự án, để tập trung triển khai từ năm 2022 - 2025, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định ngay ở Kỳ họp thứ 3.
Trong chương trình kỳ họp này, Quốc hội còn đánh giá tổng thể tình hình thực hiện việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và kế hoạch triển khai giai đoạn tiếp theo, một dự án quan trọng quốc gia đã hơn một lần không về đích đúng hẹn.
Và như thế, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, kỳ họp này sẽ “lập kỷ lục” về số lượng dự án quan trọng quốc gia được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.
Nhưng, nỗi lo về chất lượng cũng tỷ lệ thuận với “kỷ lục” về số lượng. Bởi lẽ, không có băn khoăn gì về sự cần thiết đầu tư của cả 5 dự án, khi đều nhằm cụ thể hóa Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Việc đầu tư các tuyến cao tốc cũng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, như nhấn mạnh của Ủy ban Kinh tế.
Song, trong bối cảnh ngân sách chưa dư dả, hai năm nay còn phải chi thêm nhiều nhiệm vụ cho phòng, chống dịch Covid-19, trong khi 4/5 dự án đầu tư công toàn bộ (chỉ có dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội là có một phần hợp tác công - tư) và đều tập trung triển khai từ năm 2022 - 2025, thì từng quyết định của Quốc hội đều phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Để thuyết phục được Quốc hội, câu hỏi đầu tiên cần trả lời thuyết phục là “tiền đâu”. Dự án Vành đai 3 TP.HCM có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng, còn Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội khoảng 85.813 tỷ đồng, bằng cả nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương. Nhưng một trong những cơ chế đặc thù được đề xuất là cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không đồng ý.
Còn 3 dự án cao tốc mới (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) sơ bộ tổng mức đầu tư cũng lên tới hơn 84.000 tỷ đồng. Các dự án này sử dụng vốn từ 5 nguồn: vốn thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ của Bộ Giao thông - Vận tải; vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; nguồn ngân sách địa phương tham gia đầu tư; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 và nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Cả 3 dự án này đều có điểm tựa là nguồn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với khoảng 9.620 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh, Danh mục phân bổ vốn theo quy định tại khoản 4, Điều 6, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách, tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Phát biểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 3 dự án cao tốc mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định: “Đảm bảo là trong danh mục sẽ có 3 dự án này”.
Cho rằng, trong các nguồn vốn dự kiến, thì nguồn vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cho 3 dự án là rõ nhất, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, số vốn lại quá nhỏ (chỉ khoảng 9.620 tỷ đồng), trong khi chính nhờ số vốn này mà các dự án lại được hưởng các cơ chế đặc thù của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Còn các nguồn khác, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng chưa thấy thuyết phục.
Nhanh, nhưng phải tương xứng với năng lực
Trong cả hai buổi thảo luận về các dự án nói trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều nhấn mạnh yêu cầu phải hết sức thận trọng, kỹ càng khi trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Quan ngại về tính khả thi của các nguồn vốn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ví dụ về Dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Theo Tờ trình, dự án này sẽ áp dụng cơ chế chỉ định thầu để giảm 5% (khoảng 708 tỷ đồng), nên tổng mức đầu tư sẽ giảm xuống chỉ còn 16.845 tỷ đồng.
“Từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa thấy trình dự án đầu tư lại bảo đáng nhẽ 100 đồng, nhưng em tiết kiệm được 20 đồng, nên chỉ báo cáo tổng mức đầu tư là 80 đồng thôi. Tư nhân cũng chẳng làm thế chứ đừng nói Nhà nước. Đếm cua trong lỗ! Anh Thể (Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể - PV) ạ. Tôi nhiều năm làm kiểm toán, rồi Bộ trưởng Tài chính, chưa thấy ai làm như vậy”, Chủ tịch Quốc hội nói.
“Chúng ta muốn nhanh, nhưng phải tương xứng với năng lực, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cả 3 dự án đều hoàn thành vào năm 2025, mà giờ giữa 2022 rồi. Cùng lúc triển khai ào ạt một loạt dự án thế này, nếu không xong được, ai chịu trách nhiệm? Phải có cam kết trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính. Địa phương cam kết với Chính phủ, Chính phủ cam kết với Quốc hội, chứ không phải việc đại sự đưa ra bấm nút, rồi làm được chăng hay chớ, thì không hết trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nói khi tham gia thảo luận về 3 dự án cao tốc mới.
Trước đó, khi cho ý kiến về 2 dự án đường vành đai, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế triển khai dự án đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 1, Quốc hội đã thông qua từ năm 2017, đến nay đã 5 năm, mà có những đoạn tuyến mới chỉ đạt được khoảng 15% khối lượng.
“Đã sắp hết nửa năm 2022, chúng ta chỉ còn 3 năm rưỡi nữa, mà các đồng chí muốn khẳng định là cơ bản hoàn thành cả 2 tuyến đường này trong giai đoạn 2021 - 2025, thì tính khả thi thế nào và Chính phủ có cam kết trước Quốc hội, trước toàn thể nhân dân là đảm bảo được việc này không? Nếu không, thì cuối cùng ai chịu trách nhiệm và trách nhiệm thế nào thì phải có cam kết rất rõ ràng”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Ngoài ra, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan trình các dự án tiếp thu đầy đủ các ý kiến thảo luận, nhất là làm rõ các phương án phân bổ vốn để xác định tính hợp lý của các phương án này trong hồ sơ gửi Quốc hội.
Lo ngại về sự chậm trễ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 cũng như danh mục dự án Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể hồi âm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Nguồn vốn thì thành thật là trách nhiệm của Chính phủ, cá nhân tôi không đại diện được, nhưng cũng xin lỗi, đến nay, danh mục dự án chưa trình được thì là lỗi của Chính phủ”. Ông Thể cũng “hứa” sẽ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cả hai nội dung này.