Các dự án đường bộ cao tốc sẽ tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế |
Không chỉ lo cho hai đầu tàu kinh tế
Trong phiên họp thứ 11 khai mạc sáng nay (11/5), dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia, gồm Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM và giai đoạn I của 3 dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Nếu cả 5 dự án đều đủ điều kiện trình Quốc hội, thì đây là kỳ họp mà Quốc hội sẽ đặt lên bàn nghị sự số lượng dự án quan trọng quốc gia lớn nhất trong số các kỳ họp của các nhiệm kỳ gần đây.
Với 2 dự án vành đai cho hai đầu tàu kinh tế, như Báo Đầu tư đã thông tin, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra và đồng ý với sự cần thiết đầu tư, như thuyết minh của Chính phủ, nhằm tạo động lực phát triển bứt phá cho Hà Nội và TP.HCM.
Ba dự án còn lại cũng đã được đặt lên bàn cơ quan thẩm tra vào chiều 10/5/2022. Cả 3 dự án này đều có chung căn cứ đề xuất là triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Sự cần thiết đầu tư, tất nhiên mỗi dự án mang một bối cảnh riêng, song đều hướng tới mục tiêu chung là cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế.
Nếu chỉ nhìn vào các địa danh ở tên dự án, thì 3 tuyến cao tốc mới đã đi qua 8 tỉnh, thành phố ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ. Còn nếu xem xét chi tiết từng dự án, thì số tỉnh, thành phố trong phạm vi đầu tư còn nhiều hơn nữa, cũng có nghĩa là tác động kinh tế - xã hội không chỉ dừng ở 8 địa phương đó.
Đơn cử, với Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tờ trình của Chính phủ phân tích, do đặc điểm về địa hình, nên hệ thống giao thông kết nối giữa Tây Nguyên và Nam Trung bộ không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt (đặc biệt là đường sắt vận tải hàng hóa), chỉ có hàng không và đường bộ là phương thức vận tải phù hợp.
Hiện nay, giao thông đường bộ trong khu vực này chủ yếu tập trung ở 2 trục dọc là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14, các trục ngang kết nối giữa Tây Nguyên và Nam Trung bộ có mật độ thấp, quy mô nhỏ, đèo dốc quanh co, chưa có tuyến cao tốc kết nối, nên việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn bị hạn chế. Mặc dù các tuyến trục ngang đã và đang được cải tạo, nâng cấp, nhưng tốc độ bình quân chỉ khoảng 50 km/h, thời gian từ Đắk Lắk đến Khánh Hòa hiện nay mất khoảng 3,5 - 4 giờ. Nếu được đầu tư tuyến đường bộ cao tốc, sẽ rút ngắn thời gian xuống còn 1,5 giờ, đồng thời phát huy hiệu quả của đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường bộ ven biển... đã và đang được đầu tư.
Gần 85.000 tỷ đồng, đầu tư công toàn bộ
Với tổng chiều dài khoảng 360 km, sơ bộ tổng mức đầu tư của cả 3 dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được Chính phủ tính toán là gần 85.000 tỷ đồng.
Trong đó, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 44.691 tỷ đồng, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 17.837 tỷ đồng và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khoảng 21.935 tỷ đồng.
Ba dự án trên đều được Chính phủ kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công toàn bộ, sau khi hoàn thành, sẽ thu phí để hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án.
Đáng chú ý, cả 3 dự án đều đã được Chính phủ đề xuất trong danh mục dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 được áp dụng cơ chế chỉ định thầu có tiết kiệm 5% theo khoản 1, Điều 5 của nghị quyết này.
Do đó, nhu cầu vốn trong giai đoạn 2022 - 2025 của 3 dự án lần lượt giảm xuống còn khoảng 34.486 tỷ đồng, khoảng 13.938 tỷ đồng và khoảng 16.845 tỷ đồng.
Để bảo đảm đủ nguồn vốn triển khai các dự án, trong điều kiện ngân sách trung ương còn hạn hẹp, nhưng đang phải cân đối cho nhiều nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng là mục tiêu xác định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, là nhiệm vụ không dễ dàng.
Chính phủ cho biết, đã chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương rà soát Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 của trung ương và địa phương để tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, trong đó có các dự án này.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, ngoài nguồn vốn đã dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho 3 dự án, Chính phủ đã huy động từ các nguồn khác nhau, gồm: nguồn vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương (từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 và rà soát, cơ cấu lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025), tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.
“Toàn bộ nguồn vốn trong giai đoạn 2022 - 2025 đã được cân đối đầy đủ, nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188,2 km, quy mô đầu tư giai đoạn I là 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h.
Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, phân kỳ đầu tư giai đoạn I với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h.
Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km, quy mô 4 - 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h.
Về tiến độ thực hiện, cả 3 dự án đều dự kiến chuẩn bị trong năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Bên cạnh 5 dự án giao thông lớn, trong phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình những tháng đầu năm 2022.
Một số nội dung khác được đặt lên bàn nghị sự là Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; xem xét Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022, cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Việc chuẩn bị Kỳ họp thứ ba cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp này.
Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên của Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cũng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, nếu đủ điều kiện.