Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay lúc này, cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Thưa ông, khi những chỉ số kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm được công bố, với tăng trưởng GDP quý II là 0,36%, còn 6 tháng là 1,81%, nhiều ý kiến cho rằng, kịch bản xấu nhất về tăng trưởng kinh tế 2020 đã xảy ra, thậm chí còn xấu hơn cả dự báo. Ông nghĩ sao về điều này?
Đúng là tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đang ở mức rất thấp. Nhưng cũng phải thấy rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, nhiều nước vẫn đang vật lộn với dịch bệnh, chưa thể có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế và có mức tăng trưởng âm, thì việc chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% là điều đáng ghi nhận. Tuy mức tăng trưởng này là thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Đáng chú ý nữa là, mặc dù tăng trưởng GDP đạt thấp, nhưng chúng ta đã duy trì được nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm yếu tố quyết định để phục hồi và phát triển trong giai đoạn sau khi kết thúc dịch.
Với kết quả này, tôi nghĩ rằng, trong nửa đầu năm nay, chúng ta đã cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý. Trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Một số chỉ số về huy động vốn đầu tư phát triển, thành lập mới doanh nghiệp, sức mua của thị trường… đã bắt đầu có tín hiệu tích cực hơn.
Nhưng rõ ràng, việc nền kinh tế tăng trưởng thấp như vậy là điều rất đáng lo…?
Việc tăng trưởng GDP của quý II chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tốc độ tăng trưởng rất thấp này là chúng ta bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, thời gian cho hoạt động kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng không nhiều, chủ yếu tập trung vào tháng 6. Chúng ta đã mất gần như hết tháng 4 để thực hiện việc giãn cách xã hội, khiến nhiều hoạt động bị ngừng trệ, phải sang tháng 5 mới bắt đầu làm quen dần với trạng thái “bình thường mới”.
Do đó, trong quý này, cả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đều có mức tăng trưởng thấp, khu vực dịch vụ thậm chí còn giảm. Có thể nói, dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng nhất, quý II đã giảm 1,74%, khiến 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,57% so với cùng kỳ. Và do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong quý II.
Không chỉ trong quý II, mà tôi cho rằng, nếu tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, tăng trưởng phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu, nên nếu diễn biến dịch bệnh trên thế giới không có tín hiệu tích cực, thì việc đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các quý cuối năm là rất khó khăn.
Ông vừa nói tới các thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang và sắp phải đối mặt. Cụ thể là gì, thưa ông?
Không chỉ riêng kinh tế Việt Nam, mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB đều đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, thậm chí xuống đến mức tăng trưởng âm 4,9%, rồi âm 5,2%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. Trong khi đó, các tổ chức này vẫn đánh giá tích cực tăng trưởng kinh tế Việt Nam. IMF dự báo tăng 2,7%, WB dự báo tăng 2,8%, ADB dự báo tăng 4,1%.
Tuy là tích cực hơn, nhưng rõ ràng, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng, do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Chưa kể, còn là nguy cơ chỉ số giá tiêu dùng có thể vẫn duy trì ở mức cao; dịch bệnh lây lan kéo dài gây tổn thất trực tiếp lên các lĩnh vực như du lịch, vận tải, hoạt động xuất nhập khẩu; rồi những rủi ro về thị trường đầu ra cho sản xuất - kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày...
Không chỉ là rủi ro, thách thức trong ngắn hạn, mà bối cảnh thế giới hiện nay đặt ra những thách thức lớn cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với kinh tế Việt Nam. Nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chúng ta chưa thể mở cửa trở lại. Và nếu chủ quan, lơ là, để dịch bệnh bùng phát trở lại trong nước, như ở một số quốc gia, thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Nhiều doanh nghiệp bị tổn thương, phải tạm dừng hoạt động, hay giải thể, phá sản..., ảnh hưởng rất lớn đến thành quả phát triển của đất nước những năm gần đây và nếu điều đó xảy ra, chúng ra sẽ mất rất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho đất nước.
Bởi thế, ở thời điểm hiện nay, một mặt chúng ta vẫn phải tiếp tục các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh, mặt khác, phải làm sao để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế. Để làm được điều này, ngay lúc này, chúng ta cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn.
Hành động đó là gì, thưa ông? Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, ở góc độ này, Bộ đã có những đề xuất gì với Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô?
Hôm qua (2/7), tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, chúng tôi đã đề xuất Chính phủ xây dựng và quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế. Đó là “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”, giống như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống Covid-19.
Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Đây là những điều căn bản nhất. Bên cạnh đó, những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn mà chúng ta cần làm để chống suy thoái kinh tế là tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm, dù là nông, lâm nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ…
Chúng ta cũng cần triển khai mạnh các biện pháp đẩy mạnh kích cầu và củng cố nền tảng thị trường nội địa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tranh thủ, khai thác tối đa cơ hội, lợi ích của các hiệp định thương mại tự do đã ký… Đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm…
Tất nhiên, không thể không nhắc đến giải pháp trọng yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm là đẩy mạnh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và tăng cường xúc tiến thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài…
Nếu chúng ta thực hiện tốt và hiệu quả các biện pháp trên, kinh tế Việt Nam sẽ dần từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và sớm lấy lại đà tăng trưởng, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển hậu Covid-19.