Tài chính - Chứng khoán
Cần khơi thông tín dụng cho hợp tác xã
Lê Quân - 08/04/2022 19:07
Nhu cầu huy động vốn của các hợp tác xã là rất lớn, nhưng đây cũng chính là khó khăn lớn nhất của họ trong mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo.

Dư nợ đạt khoảng 6.000 tỷ đồng

Tại Hội thảo "Hoàn thiện quy định pháp luật thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn cho hợp tác xã" diễn ra ngày 8/4 tại Hà Nội, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh rằng nguồn vốn tín dụng là một yếu tố điển hình thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên của hợp tác xã.

Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay có đảm bảo hoặc không có đảm bảo theo quy định của phát luật. Ngân hàng Nhà nước ưu tiên đầu tư tín dụng và đã triển khai, hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo đó, tập trung giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá, tăng thanh khoản hỗ trợ các tổ chức tín dụng, khơi thông dòng vốn tín dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế tín dụng theo hướng tạo điều kiện hợp tác xã mở rộng sản xuất kinh doanh và tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; xây dựng cơ chế đặc thù đối với một số ngành sử dụng nhiều lao động hiệu quả đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; quy trình thủ tục cho vay tại các tổ chức tín dụng đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể mở rộng sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng.

Đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã cho biết, dư nợ tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể trong thời gian qua có xu hướng tăng, đặc biệt là sau quá trình chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012.

Các hợp tác xã được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh bằng nhiều hình thức. Nhiều hợp tác xã đã tự xây dựng phương án kinh doanh tốt, có nhiều dự án sản xuất khả thi nên đã được các tổ chức tín dụng cho vay bằng hình thức thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc có thể được Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho vay hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc tỉnh thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập trong một thời gian nhất định cho các hợp tác xã di dời, đầu tư vào các khu công nghiệp….

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2001-2021, khoản cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể đạt 68.878 tỷ đồng. Dư nợ đối với khu vực kinh tế tập thể đến năm 2021 đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 162 tỷ đồng, chiếm 2,93% tổng dư nợ.

Về hỗ trợ tín dụng thông qua hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, cả nước đã có 56 quỹ hợp tác xã được thành lập, gồm 1 quỹ hợp tác xã Trung ương (Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam) và 55 quỹ hợp tác xã tại địa phương. Sự ra đời của các Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở địa phương theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tiếp cận tín dụng còn khoảng trống

Trên thực tế, việc tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã còn rất hạn chế và có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại khi huy động vốn vay, từ phương án sản xuất kinh doanh không khả thi; không có tài sản đảm bảo vốn vay; hệ thống báo cáo tài chính chưa minh bạch, đầy đủ; tình hình tài chính và quản trị của hợp tác xã còn yếu…

Đây cũng là kết quả mà nhóm nghiên cứu thực hiện dự án khảo sát thực trạng tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã công bố ngày 8/4. Dự án nghiên cứu này do Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisein Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) tài trợ. TS. Nguyễn Đức Hải, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết nhóm này đã tiến hành khảo sát tại 48 hợp tác xã ở Hà Nội, Thái Nguyên và Trà Vinh, với tổng số thành viên tham gia là 2.422 người và các hợp tác xã tham gia khảo sát có "tuổi đời" hoạt động bình quân gần 5,5 năm.

Nhu cầu tài chính của các hợp tác xã được khảo sát là khá lớn, đa số cho rằng khó khăn lớn nhất trong quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh là vốn, trong khi việc huy động vốn nội bộ bị hạn chế do điều kiện kinh tế của các thành viên hợp tác xã còn hạn hẹp.

Theo chia sẻ của các hợp tác xã, yếu tố quan trọng nhất để tiếp cận vốn là lãi suất thấp, tiếp đến là không cần tài sản đảm bảo. Hầu hết hợp tác xã được khảo sát chỉ có khả năng tự lực vốn ở mức dưới 20%, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng rất hạn chế do không có tài sản bảo đảm, chỉ có khoảng 0,5% số hợp tác xã có đủ điều kiện tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng.

Nhu cầu vốn của các hợp tác xã chủ yếu để đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà xưởng, máy móc thiết bị, văn phòng làm việc, công nghệ sau thu hoạch… Họ thường có nhu cầu vay vốn từ 1 năm trở lên, chỉ một số ít hợp tác xã ở Thái Nguyên và Trà Vinh có nhu cầu vay vốn dưới 1 năm.

Nghịch lý ở chỗ nhu cầu vay vốn của các hợp tác xã là lớn trong khi có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có đủ năng lực tài chính để cung cấp, đáp ứng nhu cầu vốn của hợp tác xã. Thế nhưng, thực trạng hiện nay là tỷ lệ tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã còn rất thấp, chỉ chiếm dưới 10% tổng dư nợ tín dụng.

Nhóm nghiên cứu cho hay, có đến 36% các hợp tác xã tham gia khảo sát chưa vay được vốn, trong đó Hà Nội có tỷ lệ cao nhất (50%), theo sau là Thái Nguyên (33,3%) và Trà Vinh (25,9%). Các hợp tác xã chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn tín dụng, không đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, và kênh cung cấp tín dụng hiệu quả nhất cho họ đến nay vẫn là Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Tin liên quan
Tin khác