Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. |
Tiếp tục phiên họp thứ 10, chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Cần nghiên cứu kỹ việc bỏ thanh tra cấp huyện
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Luật Thanh tra được sửa đổi trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra, song cơ quan thẩm tra (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Luật có một số nội dung chưa thực sự thuyết phục.
Một số nội dung đáng chú ý được cơ quan thẩm tra đề cập như dự thảo Luật giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng, không cần tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện, vì ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, nên không phát huy được hiệu quả.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần hết sức cân nhắc việc bỏ thanh tra cấp huyện, nếu chỉ thí điểm thì không nên đưa vào luật.
Cấp huyện là cấp không thể thiếu thanh tra, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm. Cấp này nhân sự thì ít, nhưng việc thì nhiều, cần tăng cường năng lực cho cấp huyện, ông Phương nói.
Cho rằng, chưa nên chốt chặt là để hai cấp hay ba cấp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cứ để cả hai phương án trình Quốc hội, song cần phải lập luận chặt chẽ, thuyết phục lý do của từng phương án.
Vẫn về tổ chức, theo dự thảo Luật, ở các bộ, ngoài thanh tra bộ, còn có thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ được thành lập trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quy định này nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra.
Cũng về hệ thống cơ quan thanh tra, dự thảo Luật quy định Chính phủ quyết định thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước để thực hiện thanh tra chuyên ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và yêu cầu quản lý.
Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trong Luật các tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này, trong đó cần xác định tiêu chí quan trọng là cơ quan đó được pháp luật giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành; đồng thời, quy định cụ thể “cơ quan khác” được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành; rà soát để chỉnh lý các quy định có liên quan, bảo đảm tính thống nhất nội tại của dự thảo Luật.
Liên quan đến các hình thức thanh tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì có 3 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất. Dự thảo Luật lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên và cơ quan thẩm tra cũng đồng tình. Chủ tịch Quốc hội cũng thể hiện sự đồng tình với hướng sửa đổi này nhưng cần lập luận cho rõ hơn.
Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không được can thiệp
Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thẩm tra đề nghị cần phân biệt rõ ràng hơn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thanh tra, trưởng đoàn thanh tra.
Ông Hoàng Thanh Tùng nêu thực tế cho thấy, nhiều trường hợp những hạn chế về hiệu quả của hoạt động thanh tra có nguyên nhân do sự không rạch ròi trách nhiệm giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thanh tra.
Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nhưng không được “can thiệp” (trực tiếp hoặc gián tiếp) trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, làm ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của việc ra kết luận thanh tra. Do đó, đề nghị xem xét lại quy định người ra kết luận thanh tra phải báo cáo, xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan quản lý trước khi ký kết luận thanh tra theo hướng lược bỏ quy định này, Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.
Cũng liên quan đến quy định ban hành kết luận thanh tra, dự thảo luật quy định: Người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ kết luận thanh tra khi có căn cứ cho thấy kết luận thanh tra không bảo đảm đầy đủ, chính xác, khách quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cho rằng, đây là điểm rất mới, có thể tạo ra cơ hội cho người ký quyết luận thanh tra có thể sửa chữa sai sót, tuy nhiên, nếu quy định không khéo thì năng động, trách nhiệm với tuỳ tiện và lạm quyền gần với nhau. Vì "kết luận là của đoàn thanh tra, giá trị của kết luận này lớn lắm", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh và góp ý cần phải quy định rất kỹ , như dự thảo là chưa đủ rõ để thực thi và giải toả trách nhiệm của người ký kết luận.
Nên thiết kế theo hướng rõ ràng quy trình để kết luận thanh tra ít có sai sót, chứ không nên tạo cơ chế sửa đổi tuỳ tiện, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu sâu hơn để quy định sao cho tránh lạm quyền dẫn đến mất cán bộ, Tổng thanh tra Đoàn Hồng Phong hồi âm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội (tháng 5/2022).