Ảnh minh họa |
Đây là một câu trong bài phát biểu khá dài của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) gửi Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên vừa diễn ra. Nhưng KorCham, cũng như nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài khác đã không dừng lại ở cảm giác lo lắng. Nhiều thông tin cụ thể đã được đưa ra.
Đã có trường hợp cơ quan thuế đánh thuế sau những giao dịch mà 10 năm trước, theo pháp luật không bị đánh thuế.
Đã có trường hợp nhà thầu phụ nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để xây dựng nhà máy trong khu chế xuất vừa bị cơ quan hải quan quyết định áp thuế hồi tố trái với các văn bản ban hành trước đó. Hay 117 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi vào khu công nghiệp ở Bắc Ninh để hưởng ưu đãi đang nhận được thông báo truy thu thuế thu nhập vì các khu công nghiệp chưa được xây dựng xong… Những tranh luận chưa có hồi kết về việc có truy thu thuế giá trị gia tăng với phí thư tín dụng (L/C) giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng được nhắc đến.
Có thể có nhiều lý do đằng sau những quyết định trên, nhưng dù thế nào, thì doanh nghiệp, nhà đầu tư đang cảm thấy không đồng thuận, chưa hiểu rõ với những giải trình từ phía cơ quan thực thi. Đó là chưa kể những khoản tiền không nhỏ không hề có trong kế hoạch kinh doanh, nhưng họ sẽ phải bỏ ra để tuân thủ các quyết định trên.
Song, có lẽ đây chưa phải là những điểm chính mà các hiệp hội doanh nghiệp muốn gửi tới Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương tham dự VBF.
Trong các phát biểu trực tiếp tại VBF, một số ý kiến đã nhắc đến cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ cách đây 5 tháng, khi đợt dịch lần thứ 4 đang hành hoành, hàng loạt doanh nghiệp phải dừng hoạt động, chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động đứt gãy do phải tuân thủ các quy định hành chính để phòng, chống dịch. Khi đó, vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp cần biết là làm thế nào để được hoạt động; làm sao để hàng hóa của doanh nghiệp được di chuyển thông suốt; làm sao để các văn bản chỉ đạo của Chính phủ được áp dụng đồng bộ…
Và rồi tình hình đã xoay chuyển rất nhanh khi Chính phủ chuyển trạng thái chống dịch, với sự ra đời của Nghị quyết 128/2021/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19", cùng chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả trên toàn quốc. Niềm tin vào những nỗ lực lớn của Chính phủ trong chuẩn bị các tiền đề, điều kiện để mở cửa trở lại nền kinh tế đã đưa doanh nghiệp thoát khỏi bế tắc, trở lại hoạt động, góp phần rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Đặc biệt, các giải pháp trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, trong đó có những giải pháp chưa từng có tiền lệ… đang mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp.
Nhưng chính trong thời điểm này, khi phải thực hiện nhiều quy định trong bối cảnh bình thường mới, đối mặt với những vấn đề chưa từng có, đặc biệt là đối mặt với những yêu cầu về giám sát thực thi trong nội bộ cơ quan quản lý nhà nước với các cơ chế, chính sách này, nhiều doanh nghiệp cảm thấy không thực sự an tâm. Lý do là rất có thể, trong quá trình thực thi, các bên liên quan chưa thể chuẩn chỉ trong tuân thủ, có thể có những sai sót, vi phạm nào đó.
Thực tế, việc thực thi chính sách còn chưa thực sự hiệu quả của bộ máy chính quyền và tâm lý sợ rủi ro trong tuân thủ của doanh nghiệp có thể sẽ dựng thêm rào cản, làm giảm hiệu quả, hiệu lực các gói giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế mà nền kinh tế đang trông đợi. Vì vậy, niềm tin vào môi trường đầu tư - kinh doanh, vào cam kết của Chính phủ trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo nguyên tắc hài hòa lợi ích sẽ là mấu chốt giúp doanh nghiệp sớm giải tỏa những lo ngại hiện nay.