Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi chọn người vào hội đồng quản trị là người đó phải có kinh nghiệm sâu rộng trong ngành nghề mà start-up đang hoạt động. Nếu start-up hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, các thành viên trong hội đồng quản trị nên có kiến thức về công nghệ, thị trường và xu hướng phát triển của ngành này trong tương lai. Nếu start-up hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng, thành viên hội đồng quản trị cần có khả năng hiểu biết về nhu cầu khách hàng và các chiến lược marketing hiệu quả.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là mạng lưới quan hệ mà các thành viên trong hội đồng quản trị có thể mang lại cho start-up. Những người có quan hệ rộng rãi trong ngành sẽ giúp start-up dễ dàng huy động vốn, mở rộng thị trường, hợp tác với các bên.
Bên cạnh chuyên môn và mối quan hệ, người được chọn vào hội đồng quản trị cần sở hữu tầm nhìn dài hạn và đạo đức nghề nghiệp vững vàng. Đạo đức là yếu tố để start-up ra quyết định đúng đắn trong những tình huống thử thách, còn tầm nhìn chiến lược giúp các thành viên hội đồng quản trị không bị cuốn theo xu hướng ngắn hạn, mà tập trung vào mục tiêu lâu dài.
Một số start-up, trong quá trình tìm kiếm những người giàu kinh nghiệm để bổ sung vào hội đồng quản trị, thường bị choáng ngợp trước các tên tuổi lớn hoặc các nhà đầu tư tiếng tăm, dù họ chưa chắc đã phù hợp với mục tiêu và giá trị của công ty. Khi được chọn vào hội đồng quản trị, những người này nghĩ rằng, họ đủ vị thế, kinh nghiệm để can thiệp chuyên sâu vào định hướng vận hành của start-up, từ đó tạo ra mẫu thuẫn với đội ngũ quản lý và vận hành trong start-up. Chưa kể, họ cũng không giúp cho CEO phát triển, mà còn khiến CEO phải giải quyết thêm những rắc rối không mong muốn.
Cũng có trường hợp, thành viên hội đồng quản trị được quỹ đầu tư chỉ định và start-up phải trả một khoản lương khá cao, nhưng lại không định hướng đúng đường đi cho start-up. Những người này chỉ có các kỹ năng phân tích số liệu khô khan, trong khi thiếu kinh nghiệm thực tế về vận hành, quản trị, tầm nhìn. Hoặc các định hướng do họ đưa ra đã từng thành công ở start-up này, không có nghĩa sẽ thành công ở start-up khác, dẫn tới việc điều hướng start-up tập trung vào những vấn đề không quan trọng.
Có thể nói, chọn người vào hội đồng quản trị là một quyết định mang tính chiến lược. Mỗi thành viên trong hội đồng cần là một người đồng hành thực sự với start-up, cùng start-up chia sẻ vấn đề và góp phần vào hành trình phát triển của công ty.
Đặc biệt, các nhà sáng lập cũng nên duy trì sự linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu hội đồng quản trị. Nếu thành viên ngồi trong hội đồng không đóng góp được nhiều, hãy mạnh dạn thay thế, dù đó là người của quỹ đầu tư rót vốn vào start-up.