Vênh nhau 3%
Con số đề xuất 8% của Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam vênh 3% so với đề xuất 5% của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại phiên họp thứ 2 cho thấy, cả hai bên đã có sự nhượng bộ.
Tại phiên họp trước đó, mức đề xuất của Tổng Liên đoàn là 13,3%, trong khi, VCCI luôn bảo lưu quan điểm giữ dưới 5%, thậm chí 1- 2%.
Hiện nhiều người lao động phải làm thêm giờ, tăng ca mới đảm bảo cuộc sống. |
Trong 3 năm trở lại đây, kể từ khi thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia theo cơ chế đàm phán giữa các bên, việc tranh luận để tìm ra mức tăng lương tối thiểu vùng luôn “nóng”. Cũng dựa trên cơ chế đàm phán này, mức tăng lương tối thiểu vùng cao nhất là năm 2015 với mức 15,1%; năm 2016 là 12,4% và năm 2017 là 7,3%.
Mức xem xét được đưa ra hàng năm căn cứ trên nhu cầu sống tối thiểu, điều kiện kinh tế xã hội, mức tiền lương trên thị trường, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chỉ số giá sinh hoạt, năng lực cạnh tranh quốc gia…. Vì thế, tìm ra lời giải chung luôn là bài toán khó, vì nếu nâng lương tối thiểu vùng lên quá cao, vượt quá khả năng chi trả, thì tất yếu doanh nghiệp sẽ giảm bớt lao động để tiết kiệm chi phí, khiến một bộ phận người lao động bị mất việc. Trong khi đó, nếu lương tối thiểu tăng thấp, sẽ ảnh hưởng tới đời sống người lao động trong khi trượt giá vẫn diễn ra. Một đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động giải thích, mức đề xuất của đơn vị này luôn cao xuất phát từ chỉ số giá tiêu dùng bình quân dự báo năm 2017 tăng khoảng 5%, tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 tháng đầu năm 2017 tăng 6,21% (so với cùng kỳ năm 2016) và dự báo cả năm tăng 6,7%.
“Điều 91 của Bộ Luật Lao động quy định, lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho người lao động đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi Luật có hiệu quả thực thi, điều 91 vẫn chưa được hiện thực hóa vì tiền lương tối thiểu mới đáp ứng được trên 90% nhu cầu sống tối thiểu”, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (TLĐLĐ) nói.
Ông Quảng cho biết, khảo sát của Tổng LĐLĐ tại 17 địa phương, 64 doanh nghiệp và hơn 2.500 người lao động, đã phác họa được bức tranh sống chật vật với tiền lương hiện tại của trên 51% người lao động. Người lao động phải làm thêm giờ, tăng ca mới đảm bảo cuộc sống.
Trong khi đó, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn khẳng định, với lộ trình tăng 8%, vào khoảng năm 2019, mức lương tối thiểu mới đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nhưng trả lời câu hỏi về mức sống tối thiểu, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI khẳng định: “Trên thế giới, chưa có nước nào có lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu”.
Doanh nghiệp cùng kêu khó
Ông Nuyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, thành viên hội đồng cho rằng, hiện nay lực lượng lao động hiện hữu của quốc gia chịu chi phối bởi lương tối thiểu vào khoảng 17%, nhưng họ lại tạo ra 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nếu không tính toán đến mức tăng lương và chi phí lương của doanh nghiệp các nước có sản xuất cùng một ngành hàng, mà cho mức lương vượt quá so với quy định thì vô hình chung sẽ đẩy các các doanh nghiệp chuyển phần gia công sang các thị trường khác, dẫn đến nguy cơ người lao động mất việc làm là khá cao.
Ông Thuấn cho biết, với mức tăng 7,3% vào năm ngoái thì doanh nghiệp đã phải tăng thêm các khoản chi phí khác khoảng 3%, tổng chi phí cho người lao động cũng tăng trên 10% khi thu nhập trung bình đạt khoảng 5,5 - 6 triệu đồng. Trong đó, chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chiếm khoảng 28-30% tổng chi phí mức lương.
Ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Công ty May 10 cho biết, với mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 3,75 triệu đồng, cộng với hệ số 1,13 theo quy định, thì lương tối thiểu mà công ty đang trả là hơn 4 triệu đồng/tháng. Riêng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, tiền đóng Bảo hiểm xã hội và các phí khác của công ty đã “đội” lên là 22 tỷ đồng.
“Quỹ lương mà công ty đang trả là 60 tỷ đồng/tháng, trong khi lợi nhuận cả năm công ty chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng. Nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng, thì những công ty sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực may mặc sẽ tiếp tục bị đẩy chi phí khiến giảm năng lực cạnh tranh”, ông Việt nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, bà Vũ Thị Hà, đại diện Công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí cho biết, việc tăng lương tối thiểu vùng nên giãn thời gian, không nên năm nào cũng tăng như thời gian gần đây. Thực tế, dù tăng lương tối thiểu vùng, nhưng thu nhập vẫn giảm vì phải tăng đóng BHXH và công đoàn phí.
Theo số liệu báo cáo từ các cơ quan chức năng, năm 2016, Việt Nam có 54,4 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, những người có hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp và các hợp tác xã chỉ chiếm 17,35% số này.
Tuy nhiên, theo ông Phòng, vấn đề không phải là số lượng lao động có quan hệ với doanh nghiệp ít hay nhiều, mà là việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ khiến những yếu tố khác của xã hội cũng phải điều chỉnh theo. Do đó, hệ lụy của tăng lương tối thiểu không chỉ tác động đến đời sống của những người chịu tác động của lương tối thiểu vùng, mà còn tác động tới cả khu vực lao động phi chính thức.
Dự kiến, phiên họp cuối cùng để chốt phương án mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 8/8 tới.