Ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam. |
Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0). Soi chiếu vào các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cuộc chơi đẳng cấp này, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết những vấn đề mấu chốt gì, thưa ông?
Cách mạng 4.0 ngày càng lan rộng trên thế giới. Nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, chỉ còn cách chúng ta phải thích nghi và tận dụng ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất lao động và tạo cú hích phát triển công nghiệp.
Với cách mạng 4.0, rõ ràng vấn đề không nằm ở số đông nhân lực và chi phí lao động, mà quan trọng là phải tạo ra sự khác biệt cho tăng trưởng trong tương lai, bởi khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển bền vững, thì cần đến nguồn lao động chất lượng cao.
Cách tốt nhất để đào tạo nhân lực chất lượng cao là đưa họ vào môi trường chuyên nghiệp và cho họ “lăn xả” với những công nghệ tối tân nhất. Đây cũng là cách mà Bosch đang thực hiện.
Ở thời điểm hiện nay, chúng ta cần chuyển từ giai đoạn nhận thức sang hành động. Chuyển đổi số nên bắt đầu ngay từ bây giờ. Những “ông lớn” trong ngành công nghiệp có thể nhìn thấy nhiều lợi ích hơn từ việc đầu tư vào cuộc chơi 4.0.
Để tham gia cuộc chơi 4.0, Việt Nam cần có những chính sách và quy định pháp lý cụ thể để doanh nghiệp hay những người tham gia sân chơi 4.0 có thể dự đoán và thích nghi với các chính sách, từ đó họ sẽ đưa ra cam kết rõ ràng theo lộ trình 4.0 của đất nước.
Bosch Việt Nam đã chuẩn bị những gì để tận dụng cơ hội từ cách mạng 4.0?
Chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư, cả hoạt động sản xuất lẫn con người tại thị trường Việt Nam.
Như đã đề cập ở trên, chúng tôi hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng lao động để tiếp cận những cơ hội mới, bằng cách bắt tay triển khai các trung tâm nghiên cứu và phát triển, lập các chương trình đào tạo nghề ngay trong nhà máy Bosch tại Đồng Nai. Chúng tôi thu hút lao động địa phương vào làm việc tại nhà máy và đào tạo họ thành lao động tay nghề cao, trở thành nguồn cung quan trọng cho thị trường lao động thời 4.0.
Cách mạng 4.0 đòi hỏi tính kết nối và thiết lập hệ sinh thái cho những bên hưởng thụ lợi ích từ cuộc cách mạng này. Bosch sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia cách mạng 4.0 và chuyển đổi số ra sao?
Bosch đang sử dụng những công nghệ 4.0 cho hoạt động của Tập đoàn toàn cầu và công ty con tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đề nghị các chuyên gia nghiên cứu và thích nghi với các công nghệ 4.0. Đến nay, chúng tôi đã làm được điều đó.
Với doanh nghiệp trong nước, chúng tôi tư vấn họ trong quá trình chuyển đổi số và cách thức vận dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết các vấn đề.
Chúng tôi có 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại TP.HCM, nơi quy tụ nhiều chuyên gia và kỹ thuật viên về công nghệ 4.0. Bosch có thể huy động và tập hợp họ chung sức để thúc đẩy chuyển đổi số của các ngành và trên bình diện quốc gia nói chung.