Dưới góc độ là người làm du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, đất dành cho phát triển du lịch chủ yếu là thương mại dịch vụ. Đây là loại đất mang lại lợi ích rất lớn cho kinh tế xã hội, có sức lan tỏa, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.
Đặc biệt, tiền thuê đất có thể giúp Nhà nước có nguồn thu ổn định, lâu dài, có xu hướng tăng dần, thuế VAT thu được nhiều hơn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động…
"Ví dụ, trong khách sạn 5 sao, thông thường mỗi 1 phòng sẽ có tiêu chuẩn 1 - 3 người lao động, nếu có 500 phòng thì có thể giải quyết từ 500 - 1.500 việc làm", ông Chính nêu.
Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, nhà đầu tư cần có quy hoạch cơ sở lưu trú du lịch. |
Cũng theo ông Chính, Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thực sự quan tâm nhiều đến vai trò của đất thương mại dịch vụ. Cụ thể, chưa có quy định về người nước ngoài mua bất động sản trên đất thương mại - dịch vụ để thúc đẩy phát triển trong khi các quốc gia Đông Nam Á đã quy định.
Do đó, cần có những chính sách hữu hiệu để thu hút việc này để tạo nguồn thu và thu hút du khách. Đơn cử như tại Malaysia, họ mở ra chương trình “Malaysia – Ngôi nhà thứ hai” (“Malaysia – My second home”) khuyến khích người nước ngoài mua nhà ở Malaysia (nhưng chỉ được mua căn hộ), là một chương trình thu hút đầu tư và du lịch rất hiệu quả mà Việt Nam có thể tham khảo.
Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch thông tin thêm, hiện chưa có quy hoạch lưu trú du lịch, dẫn tới nơi thừa như Phú Quốc (Kiên Giang), nơi thiếu như Cà Mau… Vì vậy, nhà đầu tư chưa có cơ sở để phân bổ, họ cần nắm được quy hoạch cơ sở lưu trú du lịch cả nước và mỗi tỉnh, thành.
Về chính sách thuê đất, ông Chính đề xuất chia 2 loại, đất A chủ yếu phục vụ cho du lịch, đất B gọi là đất hỗ trợ du lịch. Khái niệm này dễ thấy tại các resort bởi đất xây nơi ở thì ít nhưng các khu phục vụ, cây cối, cảnh quan… thì rất nhiều.
Như vậy diện tích đất A có thể trả tiền một lần, đất B thu tiền hàng năm. Tiền thuê đất này nên tính tới việc khu đất A ở mức cao, khu đất B ở mức thấp hơn… điều này khuyến khích các khu du lịch phát triển xanh, bền vững…
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia kiến nghị: “Nên xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Từ đó tạo điều kiện để thu hút hơn nữa nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho phân khúc này”.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nhận định, khung pháp lý phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần tạo ra những điểm đột phá. Theo đó, nhiều ý kiến đồng tình đề xuất cần bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng cũng như khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị và các khu chức năng khác trong khu kinh tế bên cạnh dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Ngoài ra, cần bổ sung các dự án khu đô thị mới quy mô trên 300 ha vào diện Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Bởi, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện không có quy định thu hồi đất đối với dự án khu đô thị mới, trong khi đó việc phát triển các khu đô thị có quy mô lớn (từ 300 ha thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trở lên) là hiện hữu và được quy định tại Luật Đầu tư
Bên cạnh đó, người dân cũng cần được hỗ trợ về nhu cầu nhà ở nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển nhà ở.
Trong đó, quy định cũng bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, bởi, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư cũng có các chế định, quy định về phát triển các khu đô thị mới. Những dự án đô thị quy mô lớn đồng bộ cũng góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến, nâng cao đời sống người dân, tạo dư địa phát triển lớn cho kinh tế, xã hội.