Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1566/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước sạch giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90- 95%, đến năm 2025 có 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân ở nông thôn có nước sạch để dùng.
Tuy nhiên, mục tiêu này khó đạt được bởi theo Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%, có 22,8% hộ sử dụng nguồn nước giếng khoan.
Lý giải điều này tại Tọa đàm với chủ đề "Chìa khóa nào cho bài toán nước sạch" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29/6, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cho cả đô thị và nông thôn, với công suất khoảng 11 triệu m3, đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu m3, tập trung chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt, chiếm 87%, nước ngầm chỉ chiếm 13%. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ quản lý về nguồn.
Với cấp nước đô thị, do dân số tăng, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, hệ thống cấp nước đô thị có nhiều khó khăn trong đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân. Ngoài ra, còn vấn đề giá nước và thói quen sử dụng nước của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn. Nếu để đủ chi phí vận hành, giá nước phải ở một mức nhất định.
Toạ đàm Chìa khoá nào cho bài toán nước sạch |
Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, so với năm 1988, tổng công suất cấp nước phạm vi cả nước là 1,67 triệu m3, thì nay đã gấp gần 10 lần. Phạm vi cấp nước của khu vực đô thị tăng 2 lần, tỷ lệ thất thoát từ 40% xuống còn hơn 17%. Nhìn tổng thể, ngành nước có sự phát triển vượt bậc và mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu phát triển đất nước.
Tuy nhiên, chất lượng nước, vùng phục vụ chưa bao quát đầy đủ. Tỷ lệ, thời gian cung cấp nước sạch cho người dân cũng chưa đáp ứng nhu cầu, mục tiêu đề ra. Điều này có nhiều nguyên nhân, trước hết là thể chế chính sách vẫn còn chồng chéo, có chỗ chưa cụ thể. “Chính sách về đầu tư, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho đấu thầu, chính sách cổ phần hóa, chính sách thu hút công nghệ xử lý nước sạch vẫn còn bất cập”, ông Điệp nói.
Về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ cung cấp nước máy, đặc biệt vùng nông thôn, thấp hơn nhiều so với đô thị, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng, do ngân sách đầu tư cho dịch vụ công nước sạch sụt giảm, trong khi đó, thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều khó khăn do cấu trúc thị trường cung cấp nước sạch chưa rõ ràng, việc đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp đầu tư còn đang hạn chế.
Bên cạnh đó, vấn đề về giá cả chưa được hạch toán đúng, tiến độ hạch toán tại doanh nghiệp chưa được đảm bảo…, dẫn đến thị trường nước sạch dù vẫn được đánh giá là thị trường tương đối hấp dẫn, có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm vào đầu tư nhưng thực tế tỷ lệ đầu tư khá thấp.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, cần phát triển thị trường nước sạch lành mạnh, bảo đảm quyền lợi, đặc biệt cho các nhà đầu tư tư nhân, thì sẽ bù đắp được sự thiếu hụt của Nhà nước.
Việc đặt ra thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp nước cần xem xét, nghiên cứu trong vấn đề chính sách. Theo ông Châu Trần Vĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được giao trách nhiệm sửa đổi Luật Tài nguyên nước làm sao bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là nước sinh hoạt, trong đó có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành để bảo đảm được nguồn nước sạch cho người dân, cho phát triển kinh tế-xã hội.
“Dự kiến năm 2023, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua luật này. Trong đó, hy vọng sẽ có những chính sách cụ thể để bảo đảm nguồn nước cũng như có cơ chế thu hút tham gia các nguồn lực với ưu tiên cao nhất”, ông Vĩnh cho hay.