Hội thảo góp ý Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sáng 22/9 |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đưa ra một câu chuyện được những người tiêu dùng nghi vấn, đó là những hộ gia đình dùng điện trong tháng bình thường nhưng bỗng dưng tiền điện tháng đó lại giảm, và cho rằng nhân viên ghi chỉ số cố ý ghi giảm số điện tiêu thụ tháng này để... cộng dồn sang tháng sau nhằm thu tiền cao hơn.
Để khắc phục sự bất hợp lý trong việc tính giá bán lẻ điện và tạo sự đồng thuận trong xã hội, Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” đã được Công ty TNHH Tư vấn Quản lý và Phát triển Việt Nam (CMD) công bố tại Hội thảo do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức sáng nay (22/9).
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, chuyên gia tư vấn độc lập thuộc Công ty TNHH Tư vấn Quản lý và Phát triển Việt Nam (CMD), sự cần thiết cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện gồm 2 nguyên nhân. Thứ nhất, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình phát triển thị trường điện lực Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn cạnh tranh, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ngoài ra, số bậc thang biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay còn nhiều (6 bậc) gây phức tạp trong công việc ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện. Đặc biệt là trong mùa nắng nóng vừa qua, người tiêu dùng sử dụng càng nhiều thì tiền điện càng cao, chưa tạo được sự đồng thuận từ các hộ sử dụng.
Từ cơ cấu biểu giá bán điện của các nước như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan..., đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án, bao gồm (1) giữ nguyên 6 bậc như hiện hành, (2) quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá1.747 đồng/kWh theo Quyết định 2256/QĐ-BCT ngày 12/3/2015 của Bộ Công thương) và (3) rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 - 4 bậc.
Ông Thỏa cho rằng, nhược điểm trong cách tính giá hiện nay là tạo sự khó khăn trong việc kiểm soát lượng điện sử dụng đối với người tiêu dùng. “Khoảng chênh lệch giá giữa một số bậc thang là khá cao, dẫn đến có những thời gian nhu cầu tiêu thụ điện tăng thì tốc độ tăng tiền điện thanh toán cao hơn so với tốc độ tăng lượng điện sử dụng”, ông Thỏa nói.
Theo TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, EVN đưa ra 3 phương án, nhưng phương án 1 giữ nguyên thì hơi bảo thủ.
Đồng ý với ý kiến của TS. Ngô Trí Long, GS-TS. Trần Đình Long cho rằng, “đề xuất 1 giá là chúng ta làm lùi lại quá trình 20 năm, hoặc là 1 bước nhảy quá xa đến lúc chúng ta có thị trường bán lẻ cạnh tranh”.
Với nhận định điện là ngành sản xuất đặc thù, với đặc thù Việt Nam hiện nay là khuyến khích dùng ít hiệu quả chứ không khuyến khích dùng nhiều trả nhiều, các chuyên gia đều cho rằng, việc sử dụng bậc thang lũy tiến trong tính giá điện là hợp lý.
“Mấu chốt hiện nay, 6 bậc bất hợp lý thế nào? Không tạo được hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng ra sao? Bất cập trong phương án vừa qua là bậc 1 so với giá trung bình thấp hơn 5,1%, bậc 2 thấp hơn 2,3%, bậc 3 trở lên tăng từ 2,2% lên gần 50%. Với cơ cấu này, cần tính sản lượng chứ không phải số hộ. Bất hợp lý là ở chỗ này, lũy tiến từng bậc không nên quá cao. Theo kinh nghiệm thế giới, Singapore dùng 1 mức giá vì thị trường điện cạnh tranh thực sự. Quan điểm của tôi là chúng ta nên tính theo bậc thang lũy tiến, bao nhiêu bậc cũng được, cái này đưa vào phần mềm máy tính là xong ngay”, ông Ngô Trí Long đánh giá.
GS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dù phương án điều chỉnh nào thì cũng sẽ có người chịu thiệt, người có lợi và không có phương án làm tất cả hài lòng. Ý kiến của tôi là nên bậc thang, nhưng mà ít thôi, giá cả càng đơn giản thì tính thuyết phục tốt hơn. 3 hay 4 bậc cũng được, nhưng khoảng cách giữa các bậc nới ra, chênh lệch giảm xuống.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, sản lượng điện tiêu dùng những hộ nghèo, cận nghèo, công chức dùng dưới 150 kWh chiếm 60% tổng số hộ gia đình. Những hộ dùng trên 400 kWh chiếm một phần nhỏ, khoảng 4,67%. “Chúng ta phải đảm bảo quyền lợi số đông. Chúng ta thống nhất là chia bậc theo thang lũy tiến, còn ý kiến là nên theo lợi ích người nghèo”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá.
“Vấn đề người tiêu dùng đòi hỏi EVN là phải cải cách hơn nữa quy trình quản lý, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Không có phương án giá điện nào hài lòng tất cả các hộ dân, nhưng cần ưu tiên số đông, những người có điều kiện không cần ưu đãi nhiều mà nên ưu đãi người nghèo”, TS. Nguyễn Đức Kiên khẳng định.