Các đại biểu trao đổi sau phần nghỉ giải lao. (ảnh: Trọng Tín) |
Bước vào phiên thảo luận, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy phân tích, theo đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế Thành phố trong năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2019 có sự tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố chiếm 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng nếu đánh giá vào sự tăng trưởng của 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, chế tạo điện tử, cao su - hóa chất - nhựa, chế biến lương thực thực phẩm đang có tăng trưởng chậm so với cùng kỳ.
Do đó, cần đánh giá lại xem đâu là ngành công nghiệp Thành phố thực sự tập trung trong thời gian tới, có cần phải điều chỉnh lại các ngành công nghiệp hay không và cần phát huy danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực.
“Chẳng hạn như ngành da giày không mãi chỉ cung cấp các loại nguyên liệu mà phải tiến tới ngành công nghiệp thời trang, hay ngành chế biến lương thực, thực phẩm, Thành phố phải trở thành trung tâm chế biến lương thực, thực phẩm chất lượng cao cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phải hướng đến mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu đóng góp vào doanh thu từ ngành này”, bà Thúy nói.
Còn đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cũng cho rằng, một tín hiệu tốt của kinh tế Thành phố thời gian qua là ngành dịch vụ.
Cụ thể, năm 2019, ngành dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GRDP là 60,42%; trong đó có 3 lĩnh vực đang có ưu thế là khoa học - công nghệ, y tế, ăn uống và du lịch…
Vì vậy, bà Thúy khuyến nghị khi tín hiệu thị trường đã có, Thành phố cần tập trung đầu tư một cách thích đáng hơn cho các ngành dịch vụ. Trong đó, cần tập trung đầu tư quỹ đất cho dịch vụ; cần rà soát lại giá trị sản xuất công nghiệp và các ngành công nghiệp chủ lực, tập trung vào một số ngành dịch vụ, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng theo bà Thúy, việc thành lập doanh nghiệp mới năm nay không đạt chỉ tiêu không phải là vấn đề quá quan trọng mà phải tạo ra phong trào để doanh nghiệp khởi nghiệp mạnh dạn, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp có thực chất.
“Thành phố cần học tập mô hình khu công nghiệp thông minh mà hiện nay trên thế giới đang áp dụng với cơ sở hạ tầng, nhà xưởng có sẵn để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn đăng ký thành lập doanh nghiệp trong sản xuất công nghiệp giúp họ lớn mạnh dần”, bà Thúy kiến nghị.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cho rằng, Thành phố cần rà soát quỹ đất để phục vụ cho doanh nghiệp thành lập mới sản xuất kinh doanh. (ảnh: Trọng Tín) |
Phát biểu giải trình làm rõ các nội dung các đại biểu đặt ra liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, Về số lượng doanh nghiệp thành lập năm 2019 theo dự kiến 46.200 doanh nghiệp nhưng chỉ đạt hơn 44.000 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập năm 2019 từ hai nguồn là tự nhiên và từ hộ kinh doanh chuyển sang.
Đồng thời, số doanh nghiệp giải thể năm 2019 giảm hơn so với 2018. Bình quân về số vốn doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2016 đến nay cũng tăng trưởng liên tục như: Năm 2016, số vốn điều lệ mới thành lập bình quân của doanh nghiệp là 8 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 là trên 16 tỷ đồng/doanh nghiệp thành lập mới.
Trong năm 2019 số doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng đạt con số hơn 715 doanh nghiệp và số vốn điều lệ hơn 400.000 tỷ đồng chiếm 70% trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn.
Để cho các ngành đóng góp nhiều cho GRDP, bà Mai cho biết, Thành phố sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thêm vốn kinh doanh, lĩnh vực đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả.
Thành phố cần rà soát quỹ đất để phục vụ cho doanh nghiệp thành lập mới sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Thành phố có 17 Khu công nghiệp - Khu chế xuất khoảng 4.000 ha, dự kiến 5 năm tới có 23 Khu công nghiệp - Khu chế xuất với khoảng 6.000 ha.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh, củng cố 10 chỉ số liên quan năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ doanh nghiệp phát triển.