Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM trao đổi với báo chí bên lành lang cuộc họp (Ảnh: Trọng Tín) |
Báo cáo tình hình thực hiện kinh tế xã hội năm 2019 tại kỳ họp, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, Thành phố đang xây dựng đề án xin Trung ương nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố từ 18% như hiện nay lên 33%, bằng với tỷ lệ năm 2013.
Trao đổi bên hành lang hội trường với báo chí, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, nhu cầu sử dụng ngân sách cho các mục tiêu phát triển, đầu tư hạ tầng của Thành phố ngày một lớn, trong khi quy mô kinh tế của Thành phố năm 2019 đã lên đến gần 60 tỷ USD.
Do vậy, UBND TP.HCM sẽ kiến nghị tỷ lệ ngân sách giữ lại hợp lý hơn, tạo điều kiện phát triển Thành phố.
“Trong các thành phố trên thế giới, TP.HCM là nơi có tỷ lệ ngân sách được giữ lại ít nhất. Có thể kể đến, Tokyo của Nhật Bản được giữ lại 30%, Oslo của Na Uy là 50%. Tuy nhiên, muốn thuyết phục, báo cáo Trung ương để giữ lại 33% như năm 2013 thì chính quyền TP.HCM phải có lộ trình”, ông Phong nói.
UBND TP.HCM sẽ đề xuất Trung ương nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 33% thay vì 18% như hiện nay (ảnh: Trọng Tín) |
Đánh giá về tình hình kinh tế của Thành phố, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn suy giảm thì kinh tế TP.HCM tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.
“Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn ước đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,32%, cao hơn tăng trưởng cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35%, thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 8 tỷ USD, tỷ trọng đóng góp các yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng Thành phố trên 36%. Điều này thể hiện kinh tế Thành phố tiếp tục tăng trưởng theo chiều sâu, phát huy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ tiên tiến, năng suất lao động ước đạt gần 300 triệu đồng một người trong năm 2019”, ông Nhân cho biết.
Cũng theo ông Nhân, một trong những điểm nổi bật trong năm 2019 là thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra. Thu ngân sách ước đạt hơn 412.000 tỷ đồng, tăng 3,34% so với chỉ tiêu và tăng 9% so với kế hoạch thu năm 2018. Bình quân mỗi ngày làm việc, TP.HCM thu ngân sách 1.620 tỷ đồng.
“Trong 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của Đại hội X Đảng bộ Thành phố đã đề ra, dự báo cuối nhiệm kỳ sẽ đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu. Một chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch là thu nhập trên bình quân đầu người 9.800 USD. Một trong những lý do làm cho chỉ tiêu này không đạt là do dự báo dân số thấp hơn so với thực tế hiện nay. Một chỉ tiêu chưa đánh giá được là năng lực quản lý bộ máy chính quyền phấn đấu nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu cả nước”, ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận, Thành phố còn nhiều hạn chế, yếu kém, như việc triển khai ghi nhận ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp chưa phản ánh đúng mức sự hài lòng ở các lĩnh vực; 4 ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố có tốc độ tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn tốc độ tăng chung của công nghiệp; môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của các doanh nghiệp; tình hình trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm ma túy...