Chuyển động thị trường
Cần thêm giải pháp mạnh tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản
Thanh Huyền - 13/01/2023 20:16
Việc tháo gỡ phải đúng pháp luật, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những dự án đầy đủ tính pháp lý, thanh khoản tốt, sản phẩm có giá cả hợp lý với thị trường.

Ngày 13/1 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023” nhằm đánh giá, nhận diện những khó khăn, thách thức, vướng mắc, nút thắt cần tháo gỡ cũng như xu hướng, triển vọng phát triển của thị trường bất động sản trong năm 2023. Đặc biệt các chuyên gia, nhà quản lý cùng bàn luận nhiều về các giải pháp mạnh cho trước mắt và lâu dài để phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.

Tọa đàm “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023”

Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt

Tại Tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết, trong 20 năm qua, thị trường bất động sản đã có sự phát triển vượt bậc nhưng cũng đối diện với rất nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, các dự án bất động sản. Tiếp theo là vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, thị trường bất động sản hiện đang có sự “lệch pha”: Thiếu hụt nguồn cung do liên tục sụt giảm từ năm 2018 đến nay. Không những thế, cơ cấu sản phẩm trên thị trường phát triển mất cân đối.

Để xử lý vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương kể từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đặc biệt trong năm 2022, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18, đặt mục tiêu cụ thể, đến hết năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và một số luật liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Hiện Chính phủ đang nỗ lực thực hiện mục tiêu rất quan trọng đó.

Trong 4 ngày liên tiếp từ ngày 12-15/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký 4 công điện: Công điện thúc đẩy giải quyết vấn đề tín dụng; công điện giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp; công điện tháo gỡ vướng mắc khó khăn của thị trường bất động sản, và công điện chỉ đạo giải quyết vấn đề lao động.

“Chúng tôi rất ấn tượng với các chỉ đạo, phản ứng chính sách kịp thời của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua. Nghị quyết thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2022 đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp để định hướng xử lý vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản. Và mới đây, ngày 6/1/2023, Thủ tướng ký Nghị quyết 01 của Chính phủ để định hướng phát triển kinh tế-xã hội của năm 2023, trong đó có những định hướng, chủ trương để giải quyết vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Cần có cuộc cải cách thị trường

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh bất động sản là câu chuyện dòng tiền rất lớn, gắn chặt với thị trường tài chính, hệ thống tài chính ngân hàng. Vì vậy, cần thúc đẩy 2 thị trường: Tài chính và bất động sản, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo kinh doanh nhưng tránh đổ vỡ, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Theo ông Võ Trí Thành, trước mắt, cần tập trung xử lý 2 góc độ quan trọng nhất: Một là cam kết chính trị bảo đảm minh bạch bởi đây là một phần không thể thiếu, tạo dựng lại lòng tin khi thị trường bị đổ vỡ, đóng băng, thậm chí là khủng hoảng. Thứ hai là vấn đề pháp lý liên quan đến tài chính và tiền tệ. 

“Hai điều này gắn với nhau bởi nếu không xử lý vấn đề pháp lý thì mối quan hệ giữa các định chế tài chính, các ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản không trở về trạng thái gọi là dòng tiền dịch chuyển bình thường được”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Chia sẻ bài học của Trung Quốc, ông Thành cho biết, đầu tiên, phải tháo gỡ khó khăn để dòng tín dụng tiếp tục vào các dự án bảo đảm một số điều kiện nhất định, không quá ngặt nghèo. Thứ hai, để cho các doanh nghiệp ấy tiếp tục phát hành trái phiếu, có thể là đảo nợ, có thể là triển khai dự án cho dòng tiền được tiếp tục. Thứ ba là chuyển dịch chính sách để tập trung phát triển quan hệ cung cầu thật.

“Trong giai đoạn khó khăn này, không phải chúng ta chỉ sửa, chỉnh. Vận hành trở lại thị trường rất quan trọng nhưng đồng thời nhìn nhận tổng thể để có công cuộc cải cách với thị trường này, tái cấu trúc, cải tổ thị trường này từ cấp vĩ mô (cấp chính sách), cho đến cấp vi mô (cấp doanh nghiệp) để thị trường bật dậy”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trong thời gian tới, cần có những giải pháp mạnh hơn, được triển khai đồng bộ, thông suốt từ trên xuống dưới. Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc tháo gỡ phải đúng pháp luật, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những dự án đầy đủ tính pháp lý, thanh khoản tốt, sản phẩm có giá cả hợp lý với thị trường, đáp ứng được đa số yêu cầu của người dân hoặc những doanh nghiệp làm ăn uy tín, như vậy mới lành mạnh được thị trường bất động sản.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng nhìn nhận, việc tổ chức triển khai, thực hiện các trình tự, thủ tục pháp lý của dự án bất động sản cũng là một vấn đề. Lý do là có nhiều quy định pháp luật khác nhau; việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật chưa đồng bộ ở các địa phương; tâm lý sợ trách nhiệm, chậm triển khai thực hiện ở một số địa phương, một số đơn vị…

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Xây dựng đã nắm bắt và báo cáo Thủ tướng chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội… Nghị định này quy định đầy đủ, đồng bộ để các địa phương áp dụng, thực hiện, tránh tình trạng lúng túng vòng vèo, kéo dài trình tự.

Tin liên quan
Tin khác