Y tế - Sức khỏe
Cần thiết phải sàng lọc thính lực cho trẻ sau sinh
D.Ngân - 20/04/2021 09:38
Các chuyên gia y tế cho hay, việc sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh là cần thiết giúp phát hiện và điều trị sớm nếu trẻ không may mắc vấn đề về thính lực.

Bác sĩ Đinh Thúy Linh, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có một trường hợp bị khiếm thính, giảm thính lực theo nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới.

Theo các chuyên gia, nếu bố mẹ nhận thấy có điểm bất thường ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình phát triển của trẻ, cần cho trẻ đi khám ngay, để có thể can thiệp sớm.

Tỷ lệ này tăng cao hơn ở trẻ sinh non, cân nặng rất thấp, mẹ mắc bệnh truyền nhiễm trong 3 tháng đầu mang thai, viêm màng não mủ...

"Trẻ có thể mắc khiếm thính dù bố mẹ khỏe mạnh. Theo thống kê, hầu hết các trường hợp trẻ khiếm thính bẩm sinh đều được sinh ra trong các gia đình không có ai bị khiếm thính", bác sĩ Linh cho biết.

Theo chuyên gia, trẻ bị nghe kém, điếc, khó khăn về nghe,... là tình trạng trẻ bị giảm một phần hoặc toàn bộ sức nghe, khiến trẻ không nghe được với cường độ âm thanh bình thường.

Những trẻ bị mất khả năng nghe khi vừa sinh ra hoặc bị giảm thính lực trong những năm đầu đời thường không có khả năng phát triển ngôn ngữ bình thường, dẫn tới không nói được.

Dựa trên mức độ mất sức nghe, điếc/khiếm thính được chia thành 4 mức độ: Điếc nhẹ (nghe được âm thanh 20 - 40dB), điếc trung bình (nghe được âm thanh 41 - 70dB), điếc nặng (chỉ nghe được âm thanh 71 - 90dB) và điếc sâu (chỉ nghe được âm thanh trên 90dB).

Trẻ bị giảm thính lực gặp nhiều khó khăn như, trong giao tiếp: Trẻ khó bắt kịp các cuộc nói chuyện xung quanh, không hiểu rõ ý nghĩa của các cuộc trò chuyện. Với những trẻ bị điếc, trẻ sẽ phải sử dụng dấu, cử chỉ để giao tiếp, gây khó khăn cho người xung quanh nếu chưa được học về cách nói chuyện với người bị điếc;

Trong học tập, trẻ gặp khó khăn trong việc nghe giảng, gây nhiều trở ngại trong học tập. Với các môn học cần tới kỹ năng nghe - nói - viết, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn;

Trong quan hệ xã hội, trẻ bị giảm thính lực thường gặp nhiều hạn chế trong việc kết bạn, quan hệ xã hội do khó khăn về việc giao tiếp;

Về tâm lý, trẻ gặp trở ngại tâm lý do không thể hiện được nhu cầu của bản thân hoặc cảm thấy bất lực vì không hiểu những điều mà người xung quanh diễn đạt. Điều này khiến trẻ hay nóng giận, cáu gắt hoặc mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp.

Bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, tình trạng mất hoặc giảm thính lực bẩm sinh không thể được phát hiện thông qua siêu âm thai hay các biện pháp sàng lọc trước sinh. Khuyết tật thính lực chỉ nhận biết được sau khi trẻ chào đời.

Hiện, có 2 phương pháp sàng lọc được áp dụng phổ biến gồm đo lường âm thanh từ ốc tai để xác định trẻ có phản ứng với âm thanh hay không và đánh giá đáp ứng âm thanh của cuống não để đánh giá dây thần kinh thính giác, phản ứng của não với âm thanh.

"Sàng lọc thính lực sau sinh rất quan trọng. Khi trẻ được phát hiện sớm khiếm thính, giảm thính lực, sẽ được can thiệp sớm để có cuộc sống khỏe mạnh sau này", bác sĩ Linh cho biết.

Chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ có thể nhận biết trẻ có vấn đề về thính lực thông qua một số dấu hiệu. Chẳng hạn, khi sơ sinh, bé không giật mình, không chớp hoặc mở to mắt, ngừng bú, ngừng khóc khi có tiếng động lớn đột ngột như tiếng vỗ tay hoặc tiếng đóng sầm cửa.

Ở trẻ một tháng tuổi, bé không nhận thấy những âm thanh kéo dài đột ngột như tiếng ồn của máy hút bụi, không tạm dừng và lắng nghe tiếng ồn.

Trẻ 4 tháng tuổi không im lặng hoặc mỉm cười khi nghe thấy giọng nói quen thuộc và hướng mắt về phía giọng nói, không thể hiện sự phấn khích với âm thanh như tiếng bước chân, tiếng đồ chơi. Trẻ 7 tháng tuổi không phản ứng quay ngay lập tức với một giọng nói quen thuộc trong phòng.

Bé 9 tháng tuổi không chăm chú lắng nghe những âm thanh quen thuộc hàng ngày và tìm kiếm những âm thanh rất yên tĩnh ngoài tầm nhìn. Trẻ 12 tháng tuổi không phản ứng với tên gọi của mình, không phản hồi với câu nói đơn giản của cha mẹ.

Theo bác sĩ Linh, việc theo dõi của cha mẹ cũng rất quan trọng, cần thực hiện thường xuyên mặc dù trẻ có kết quả sàng lọc thính lực sau sinh “đạt”.

Sở dĩ như vậy là do có những trường hợp trẻ bị mất thính lực tăng dần, tại thời điểm sàng lọc sau sinh trẻ chưa có biểu hiện giảm thính lực rõ rệt. Tuy vậy, ở giai đoạn khác lại biểu hiện, do vậy, nếu bố mẹ nhận thấy có điểm bất thường ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình phát triển của trẻ, cần cho trẻ đi khám ngay, để có thể can thiệp sớm.

Tin liên quan
Tin khác