Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. |
Chiều 29/10 Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã báo cáo Quốc hội nội dung thẩm tra về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Quốc hội nội dung này.
Ông Thanh cho biết, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết.
Vì, về phương diện lý thuyết, cần nhìn nhận cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là quá trình thường xuyên, liên tục phục vụ cho mục tiêu phát triển phù hợp trong từng thời kỳ.
Một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả, một mô hình tăng trưởng năng động, bền vững cần một quá trình tích lũy những nhân tố tăng trưởng mới, tạo lập vững chắc các nền tảng về thể chế, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo, vấn đề nông thôn - nông nghiệp - nông dân, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, trật tự và an toàn xã hội, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Vẫn ở phương diện lý thuyết, cơ quan thẩm tra đề cập dịch COVID-19 đang diễn ra cực kỳ phức tạp, không thể dự đoán trước và được đánh giá là cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế nặng nề nhất kể từ đại suy thoái năm 1930. Bối cảnh này đan xen những cơ hội nhưng cũng phát sinh nhiều thách thức, khó khăn mới, đòi hỏi phải tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp đối với những nội dung ưu tiên cần tập trung nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế.
Về thực tế, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu, bên cạnh những hạn chế, yếu kém trong thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, một số vấn đề mới cần được nghiên cứu, bổ sung trong thời gian tới. Như lấy liên kết vùng, phát triển đô thị, kinh tế đô thị làm trọng điểm, lấy xác định các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có hiệu quả cao, đóng góp lớn và sức lan tỏa rộng trong nền kinh tế, nhất là các ngành dựa trên công nghệ và tri thức tiên tiến làm khâu đột phá.
Về nhiệm vụ giải pháp cụ thể, Uỷ ban Kinh tế cho rằng kế hoạch cần rõ nét hơn về các trọng tâm, trọng điểm các ngành, lĩnh vực và vùng, lãnh thổ. Tập trung để hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa hoàn thành. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giữ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Phối hợp điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả với liều lượng hợp lý, tại thời điểm phù hợp và phối hợp chặt chẽ giữa hai chính sách để hỗ trợ tăng trưởng trên cơ sở bảo đảm an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô. Có giải pháp tổng thể và phù hợp để giải quyết dứt điểm năng lực sản xuất dư thừa, nhất là đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, các dự án yếu kém, thua lỗ.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh cần thiết lập khung pháp lý cho thị trường sơ cấp, thứ cấp về quyền sử dụng đất. Kinh tế hóa ngành tài nguyên, xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản theo cơ chế thị trường; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo đảm công khai, minh bạch và khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh ý kiến đa số, báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, không cần thiết đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một kế hoạch riêng.
Vì, khá nhiều nội dung của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được lấy từ các Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 dẫn đến nhiều nội dung bị trùng lặp.
Ngoài ra, với đánh giá 5/22 mục tiêu không hoàn thành Kế hoạch của giai đoạn trước thì không nên xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn 2021 - 2025 mà chỉ cần thu hẹp phạm vi, yêu cầu tiếp tục thực hiện hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành của giai đoạn 2016 - 2020 và xem xét, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp xác định những ngành, lĩnh vực, nội dung ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với bối cảnh, thời cơ và thách thức mới, khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế; xác định rõ nguồn lực và chú trọng công tác triển khai tổ chức thực hiện đang là khâu yếu của giai đoạn vừa qua.
Sau khi thảo luận tổ về hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 chiều 29/10, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến kế hoạch này trong sáng 30/10.