Theo ông Trung, trong thời gian qua, địa phương đã nhận được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trong chỉ đạo phát triển toàn diện mọi mặt, nhiều công trình lớn quy mô liên kết vùng đã được đầu tư tại địa bàn như: Sân bay Quốc tế Cần Thơ, Trung tâm điện lực Ô Môn, Cảng tàu trọng tải lớn, Cầu Cần Thơ… Nhờ đó, Cần Thơ đạt tốc độ tăng trưởng cao, là một trong 13 tỉnh, thành có điều tiết ngân sách về Trung ương. Tuy nhiên, theo Bí thư thành ủy Cần Thơ, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và kỳ vọng của Trung ương.
Để Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước như tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị thì đòi hỏi địa phương phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.Cần Thơ |
Đặc biệt, địa phương rất cần sự hỗ trợ về nguồn lực và cơ chế chính sách thông thoáng đủ mạnh để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách phục vụ cho phát triển. Cụ thể, Cần Thơ đề xuất cho phép địa phương giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp đầu tư vào danh mục địa phương ưu tiên mời gọi. Điều này rất có ý nghĩa vì hiện nay giá cho thuê đất ở các KCN lân cận với Cần Thơ là Sông Hậu (Hậu Giang), Bình Minh (Vĩnh Long) chỉ bằng khoảng 1/4 giá đất tại các KCN Cần Thơ. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư vào KCN ở Hậu Giang còn được ưu đãi về thuế vì là địa bàn khó khăn. Chính vì có sự khác biệt rất lớn trong ưu đãi đầu tư mà môi trường đầu tư tại TP.Cần Thơ kém hấp dẫn so với các vùng lân cận.
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 28.755 tỷ đồng, tăng 6,82%. Tổng thu ngân sách đạt trên 8.000 tỷ đồng đạt 70,7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ hơn 43.400 tỷ đồng, tăng 10,5%. Thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 634 DN với tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng, đưa tổng số DN đang hoạt động lên 11.497 DN. Cần Thơ đã đặt mục tiêu là một địa phương tiên phong về hỗ trợ khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh, phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn có hơn 17.700 doanh nghiệp.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2016, tạo nền tảng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã nêu ra 8 giải pháp thực hiện, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo và thuận hỗ trợ cho địa phương 14 kiến nghị.
Trong đó, Cần Thơ kiến nghị được sử dụng phần thu vượt chỉ tiêu được giao để đầu tư tại địa phương; điều tiết ngân sách về Trung ương ổn định mức 9%/năm cho giai đoạn 2017-2020; thuận chủ trương cho địa phương thành lập khu công nghệ cao, đầu tư Casino phụ vụ khách du lịch và kiến nghị Trung ương mua lại các dự án BOT Quốc lộ 91 và 91B giao cho địa phương khai thác để tạo nguồn lực đầu tư cho các dự án khác. Ngoài ra, ông Thống còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm đưa luồng tàu trọng tải lớn vào khai thác; kiến nghị Bộ KH-ĐT phân bổ đủ nguồn vốn để hoàn thành tuyến đường Quang Trung-Cái Cui để phát huy thế mạnh của khu cảng này khi thông luồng kênh Quan Chánh Bố.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương thành phố Cần Thơ trong chỉ đạo, điều hành với nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội như duy trì tốc độ tăng trưởng, sản xuất công nghiệp, làm tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thông mới, nằm trong tốp đầu các địa phương về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Thủ tướng cũng lưu ý TP.Cần Thơ nằm trong vùng dễ bị tổn thương nhất do BĐKH nên đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai gây ra. Do đó, về định hướng, thời gian tới, địa phương phải có tầm nhìn quy hoạch, xứng đáng là trung tâm của ĐBSCL nhưng cũng phải tính đến yếu tố thích ứng BĐKH. Trong sản xuất nông nghiệp, cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, với tinh thần “biến thách thức, nguy cơ thành cơ hội phát triển".
Thủ tướng yêu cầu TP.Cần Thơ cần có giải pháp đa dạng hóa, xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn vốn phát triển. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cả công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư công, đột phá về ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết, kết nối vùng…
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành ghi nhận các ý kiến đề xuất của địa phương để trên cơ sở đó tham mưu trình cho Chính phủ xem xét. Riêng việc đề nghị đầu tư Casino tại địa phương, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang trình Bộ Chính trị xem xét Nghị định về đầu tư vào lĩnh vực này, khi Nghị định được ban hành thì mới có cơ sở pháp lý để để chấp thuận cho địa phương.
Cùng ngày, Thủ tướng cũng đã đến khảo sát một số dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.Cần Thơ; thăm và làm việc với Viện Lúa ĐBSCL; thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách trên địa bàn TP. Cần Thơ; tiếp đoàn bác sĩ thiện nguyện Đại học Mercer- Hoa Kỳ đang thực hiện chương trình thiện nguyện thay chân giả và khám chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân tại Việt Nam.