Đầu tư
Cần Thơ: Hoàn thiện hệ thống giao thông, thúc đẩy liên kết vùng
Huy Tự - 14/05/2022 15:35
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Cần Thơ chia sẻ về tiềm năng cơ hội kết nối giao thông, tạo sức bật mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hệ thống giao thông Cần Thơ đang ngày càng hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Ông có thể cho biết một số thành tựu của ngành giao thông Cần Thơ trong những năm qua?

Những năm qua, Trung ương và TP. Cần Thơ đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiệu quả, trọng điểm, nhờ đó giao thông của địa phương đã có chuyển biến tích cực.

Các dự án hạ tầng giao thông sau khi hoàn thành đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa Cần Thơ với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, TP.HCM và cả nước, giúp thời gian vận chuyển hàng hóa nông, thủy sản từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL lên TP.HCM và các khu vực lân cận nhanh hơn, đảm bảo chất lượng, giá rẻ hơn, làm tăng khả năng cạnh tranh.

Giao thông thuận lợi đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị, nâng cao năng lực vận tải, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, liên kết hợp tác với các địa phương trong vùng và hội nhập quốc tế, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Cần Thơ

Hệ thống cảng biển, sân bay của Cần Thơ đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng và quốc tế, tạo điều kiện phát triển Thành phố thành điểm tập kết, xuất nhập khẩu hàng hoá cho khu vực ĐBSCL, giảm thiểu chi phí vận tải, thay vì phải đi về cảng biển, sân bay tại TP.HCM.

Với sự hình thành phát triển hệ thống giao thông khung chính (cả về đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không) trong thời gian qua đã thúc đẩy quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố như: Khu đô thị mới Nam Cần Thơ, Khu đô thị hai bên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, Khu đô thị mới Cồn Khương; đồng thời, trong thời gian tới sẽ thúc đẩy quy hoạch xây dựng phát triển các khu đô thị gồm: Khu đô thị sân bay diện tích khoảng 10.000 ha trên địa bàn quận Bình Thủy; các khu đô thị mới và các khu công nghiệp trên địa bàn quận Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Thưa ông, định hướng phát triển giao thông đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 của Cần Thơ là gì. Hiện có những dự án đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng nào đã và đang triển khai, nhằm tạo sức bật và diện mạo mới cho Thành phố?

Định hướng phát triển giao thông đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Cần Thơ là: xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường trục chính đô thị, đường vành đai thành phố, đường tỉnh đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế, kết nối cảng hàng không, cảng biển, trung tâm logistics, các khu đô thị, khu công nghiệp, mở rộng không gian đô thị và phát triển giao thông đô thị.

Theo đó, xây dựng Bến cảng khách quốc tế Cần Thơ (tại bến phà Cần Thơ cũ) và các cảng thủy nội địa hàng hóa, hành khách phục vụ vận vải và du lịch đi các tỉnh trong vùng, TP.HCM và cả nước; xây dựng hoàn chỉnh cảng biển Cần Thơ (gồm các khu bến: Cái Cui, Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt) thành cảng biển quốc tế theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu vận tải biển liên vùng và quốc tế, công suất đạt 25 triệu tấn hàng hóa/năm.

Xây dựng hoàn chỉnh Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ theo quy hoạch, mở rộng diện tích khoảng 300 ha để xây dựng thêm 1 khu cảng hàng không và 1 đường hạ cất cánh, công suất  đạt 15 triệu hành khách/năm.

Triển khai đầu tư dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; xây dựng phát triển hệ thống giao thông công cộng và giao thông thông minh trên địa bàn Thành phố.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT và TP. Cần Thơ đã và đang triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sau:

Về đường bộ, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn Cần Thơ: Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên (đã khởi công ngày 18/1/2022); Dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thuộc Hành lang cao tốc phía Tây (Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư); Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ Nam Sông Hậu, đoạn từ nút IC3 đến cảng Cái Cui (đã được Bộ GTVT đưa vào danh mục đầu tư bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới).

Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông (đang triển khai lập hồ sơ thiết kế và công tác giải phóng mặt bằng, theo tiến độ đề ra TP. Cần Thơ sẽ bàn giao 70% diện tích giải phóng mặt bằng để khởi công ngày 20/11/2022 và bàn giao diện tích còn lại trong quý II/2023); Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

TP. Cần Thơ cũng đang triển khai đầu tư các dự án trọng điểm: Đường vành đai phía Tây Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C); Đường hẻm 91 (đoạn Long Tuyền đến Đường vành đai phía Tây Cần Thơ); Cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm trên các đường trục chính đô thị; Đường tỉnh 917; Đường tỉnh 918; Đường tỉnh 921; Đường tỉnh 923; cầu Cờ Đỏ; cầu Tây Đô; cầu Kênh Ngang; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C; Đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang).

Về đường thủy nội địa: Bộ GTVT đang triển khai đầu tư Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics cấp quốc gia khu vực phía Nam và Dự án Xây dựng hoàn chỉnh kênh Chợ Gạo giai đoạn II (đã tổ chức khởi công ngày 19/12/2021).

Về đường biển: Bộ GTVT đã tổ chức khởi công dự án xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn II vào ngày 28/12/2021.

Triển khai dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có tải trọng từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của Cần Thơ, UBND Thành phố đã có Công văn số 548/UBND-KT ngày 15/2/2022 gửi Bộ GTVT và đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam. Trên cơ sở kiến nghị của TP. Cần Thơ, Bộ GTVT đã có Công văn số 2478/BGTVT-KCHT về việc phối hợp triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Về đường hàng không: Bộ GTVT lập Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”, trong đó có nội dung thực hiện thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác để xây dựng nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ theo định hướng quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 đạt công suất 7 triệu hành khách/năm.

Thời gian tới, Cần Thơ có biện pháp gì để tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông, tạo sức bật mới?

Trong thời gian qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vẫn chưa tương xứng với vai trò, vị trí của Thành phố, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Việc triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư, sự hỗ trợ của Trung ương chưa tương xứng, trong khi nguồn lực địa phương còn hạn chế. Do vậy, cần phải tiếp tục ưu tiên huy động mọi nguồn lực nhiều hơn nữa cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch cả về đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không, đường sắt.

Cần Thơ sẽ kiến nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời hỗ trợ các nguồn vốn để triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm do Thành phố quản lý giai đoạn 2021 - 2025.

Thành phố cũng sẽ ưu tiên tập trung phân bổ nguồn vốn ngân sách, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho các dự án hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý đồng bộ, hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng, đất đai để tạo quỹ đất dành cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông; tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư để thu hút mọi nguồn vốn và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng giao thông.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ kịp thời triển khai các dự án hạ tầng giao thông; đảm bảo đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác các dự án theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Việc hoàn thiện hệ thống giao thông của Cần Thơ rất quan trọng, nhưng công tác đảm bảo an toàn giao thông cũng rất bức thiết. Thành phố đã có biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông?

Theo Ban An toàn giao thông Cần Thơ, tai nạn giao thông trong năm 2021 đã giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2020, trong đó số vụ giảm 29,9%; số người chết giảm 27,5%; số người bị thương giảm 10%. Kết quả này có được nhờ công tác tuyên truyền an toàn giao thông được các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ bằng nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với từng thời điểm, đối tượng, địa bàn.

Đặc biệt, công tác khắc phục các điểm đen, điểm mất an toàn giao thông trên các tuyến đường đã được Ban An toàn giao thông Thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan thường xuyên rà soát, kiểm tra và xử lý kịp thời, nhất là các giao lộ thường xảy ra tai nạn giao thông, mặt đường bị hư hỏng, kết hợp với việc tuyên truyền tổ chức tuần tra, kiểm soát, từ đó tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông giảm đáng kể, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông được nâng lên rõ rệt.

Phong trào xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng được hưởng ứng tích cực. Để thực hiện mục tiêu tiếp tục kéo giảm 5-10% tai nạn giao thông so với năm 2021, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Sở GTVT Cần Thơ sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị, địa phương, tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức và triển khai tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên mỗi cung đường.

Tin liên quan
Tin khác