Ông Dương Tấn Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới, chính quyền Thành phố sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Dương Tấn Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ. |
Ông có thể khái quát về tình hình kinh tế của TP. Cần Thơ trong 10 tháng của năm nay?
Từ cuối tháng 3/2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Cần Thơ đã tiến hành mục tiêu kép: vừa triển khai công tác phòng chống dịch, kiểm soát, khống chế không để Covid-19 lây lan, vừa triển khai giải pháp duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có những giải pháp hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã kịp thời giải quyết những rào cản, kiến nghị, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho doanh nghiệp; luôn đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai và đầu tư kinh doanh. Vì vậy, về cơ bản, Thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định.
Trong 10 tháng của năm nay, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) của Cần Thơ ước đạt 97,25% so cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 10 ước đạt 95,48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về nội thương, hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng văn minh hiện đại với hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện ích, nhiều chợ truyền thống đã được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp khang trang hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thực hiện trên 112.476 tỷ đồng, đạt 76,74% kế hoạch, tăng 1,09% so cùng kỳ.
Về xuất nhập khẩu, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 1.685 triệu USD, đạt 48,83% kế hoạch, bằng 92,24% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 372,77 triệu USD, đạt 97,03% so cùng kỳ.
. |
Còn về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào Cần Thơ đạt kết quả ra sao, thưa ông?
Về phát triển doanh nghiệp, trong 10 tháng của năm nay, Thành phố đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.254 doanh nghiệp, đạt 78,3% kế hoạch; tổng vốn đăng ký hơn 9.685 tỷ đồng, đạt 77,48% kế hoạch. So với cùng kỳ, doanh nghiệp đăng ký mới bằng 99,28% và số vốn đăng ký bằng 87,74%.
Về thu hút đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp), trong 10 tháng của năm nay, Thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án với vốn đầu tư 150,5 tỷ đồng. Trên địa bàn Thành phố hiện có 104 dự án đang triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư theo chủ trương là 194.028 tỷ đồng, với tổng diện tích khoảng 2.890 ha.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thành phố đã phê duyệt cấp mới 6 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 31,8 triệu USD, lũy kế đến nay trên địa bàn Thành phố có 85 dự án với tổng vốn đăng ký 752,4 triệu USD.
Riêng các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ có 251 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,766 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện là 1,109 tỷ USD.
Theo ông, việc thu hút đầu tư vào Cần Thơ có khó khăn gì, nguyên nhân vì sao?
Trong năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài bị đình trệ, tạm hoãn hoặc hủy bỏ. Số lượng đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu, thực hiện dự án đầu tư tại TP. Cần Thơ rất ít, xuất phát từ việc các hãng hàng không tạm dừng hoạt động chở khách quốc tế.
Tương tự, các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước dù đã được lên kế hoạch tổ chức thực hiện, nhưng cũng bị tạm hoãn hoặc hủy. Điều này đã tác động đến kết quả thu hút đầu tư vào Thành phố.
Môi trường và cơ chế, chính sách của Thành phố chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút mạnh đầu tư, nhất là các dự án FDI, do Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, không nằm trong danh mục các địa bàn được ưu đãi đầu tư theo quy định. Ngoài ra, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao, dẫn đến giá cho thuê đất khó cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực, từ đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút các nhà đầu tư đến với Thành phố.
Về mặt chủ quan, việc tập hợp thông tin đầu tư của một số ngành, lĩnh vực để xúc tiến đầu tư còn chưa đầy đủ. Một số đơn vị của Thành phố đề xuất dự án mời gọi đầu tư chưa thật sự quan tâm xây dựng, cung cấp thông tin chi tiết cụ thể về dự án, khó khăn trong xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, các dự án đưa ra còn thiếu thông tin, việc thực hiện khảo sát thực tế các dự án mời gọi đầu tư chưa được quan tâm đúng mức...
Để khắc phục những hạn chế đó, công tác xúc tiến đầu tư của Cần Thơ trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo được định hướng ra sao, thưa ông ?
Quan điểm của Thành phố trong xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư là phải theo trọng tâm, trọng điểm, có những giải pháp mang tính chiến lược, tránh xây dựng các hoạt động riêng lẻ, không có kết nối và tầm nhìn, gây lãng phí cho ngân sách.
Thành phố sẽ tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch và thuận lợi thu hút sự tham gia đầu tư, phát triển sản xuất từ các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Về định hướng xúc tiến đầu tư, Thành phố ưu tiên xúc tiến đầu tư các ngành, lĩnh vực gồm: công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; bảo quản sau thu hoạch; đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái miệt vườn, các sản phẩm du lịch sinh thái; công nghệ thông tin, điện tử; logistics...
Các đối tác Thành phố tập trung xúc tiến hợp tác đầu tư là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Hoa Kỳ và châu Âu.
Về giải pháp thực hiện, Thành phố đang trong quá trình tổ chức đấu thầu tư vấn lập Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mang tính tích hợp, định hướng lâu dài cho các ngành, lĩnh vực và công khai minh bạch để làm cơ sở cho các nhà đầu tư tham khảo và quyết định đầu tư. Đề xuất các chính sách về ưu đãi phù hợp với quy định của pháp luật nhưng mang tính đặc thù của Thành phố nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn, công nghệ dẫn đầu...
Hiện tại Thành phố đang tổ chức thực hiện hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 của các quận, quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 các thị trấn trong huyện, làm cơ sở thực hiện xây dựng và ban hành danh mục các dự án có sử dụng đất mời gọi đầu tư theo quy định của Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT ngày 18/9/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư”.
Bên cạnh đó, UBND thành phố, các sở, ban, ngành của Cần Thơ sẽ thường xuyên rà soát, bổ sung thông tin chi tiết cho từng dự án mời gọi đầu tư để cung cấp cho nhà đầu tư, loại bỏ những dự án không còn phù hợp với định hướng phát triển, không có tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại không cao.
Duy trì đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư.