| ||
Ông Vũ Xuân Thuyên |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP quý 1/2013 đạt 4,89% - tăng hơn so với cùng kỳ năm 2012 là 4,75%; xuất khẩu tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012 và nếu loại bỏ yếu tố giá thì kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, tăng hơn 25% so với 3 tháng đầu năm 2012.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, ngoại trừ việc cân đối - thu chi ngân sách tiếp tục căng thẳng, các cán cân kinh tế vĩ mô khác như xuất khẩu, tốc độ lạm phát, thâm hụt thương mại, tốc độ tăng trưởng kinh tế… 4 tháng đầu năm đều khá tốt và có sự khởi sắc hơn so với 4 tháng đầu năm 2012.
“Trong bối cảnh kinh tế trong nước bắt đầu hồi sinh, hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam liên tục bị kiện bán phá giá tại các thị trường xuất khẩu lớn, nhưng nhiều ngành hàng vẫn tăng được kim ngạch xuất khẩu, mở rộng được thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng dệt may đã có đủ đơn hàng từ nay đến cuối năm. Trong cùng một môi trường cạnh tranh bình đẳng thì những doanh nghiệp “kêu khó” phải xem lại mình”, ông Thuyên nói.
Nhìn lại những diễn biến của nền kinh tế 4 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định: “Nền kinh tế năm 2013 khó khôi phục nhanh, khó đạt tốc độ tăng trưởng cao”.
Tại Hội thảo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013 vừa được Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, ông Long liệt kê 7 nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 khó khôi phục nhanh, trong đó có thực tế là niềm tin của thị trường tiếp tục bị giảm sút nghiêm trọng và doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua ở thị trường trong nước yếu, hàng tồn kho cao và đặc biệt là lãi suất vay vốn vẫn còn quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp ở giai đoạn hiện nay.
Để giải quyết những khó khăn trước mắt, theo ông Long cần phải chuyển từ chính sách ổn định tổng cầu sang chính sách trọng cung nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định trong dài hạn trong khi vẫn duy trì lạm phát ở mức thấp.
“Chính sách trọng cung phải dựa trên 3 nền tảng cơ bản. Một là, giảm mạnh thuế và phí để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường còn người tiêu dùng tăng tiết kiệm và tiêu dùng. Hai là, tiến hành mạnh mẽ các giải pháp cải thiện thị trường vốn thông thoáng. Ba là, thực hiện chính sách tiền tệ vừa phải - không nới lỏng hay thắt chặt quá mức và cần phải ổn định chính sách này trong một thời gian dài”, ông Long khuyến nghị.
Thừa nhận lãi suất cao là một trong 2 khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải (cùng với hàng tồn kho cao), một mặt ông Vũ Xuân Thuyên đề nghị doanh nghiệp xem lại mình, mặt khác ông cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại xem lại lãi suất cho vay hiện nay đã phù hợp với hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp hay chưa.
“Ngân hàng huy động tiền gửi 7,5%/năm, họ cho vay 11-14%/năm tức là đạt lợi nhuận tới 50%. Các ngân hàng thương mại “ăn quá dày” khiến lợi nhuận của doanh nghiệp rơi vào hết hệ thống ngân hàng, không ai muốn vay tiền để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Thuyên nói.
Ông Thuyên cũng đề nghị các cơ quan chức năng phải nghiên cứu, tính toán xem ngân hàng phải chi những khoản gì mà được hưởng chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi lên đến 50%.
“Có doanh nghiệp “than”, họ vay ngân hàng 60 tỷ đồng, làm quần quật cả năm nhưng tính ra lợi nhuận mà họ thu được còn không bằng số tiền mà họ trả lãi tiền vay vốn ngân hàng. Vì thế, nếu không tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì sự phục hồi kinh tế trong 3 quý còn lại của năm 2013 khó có thể cao hơn quý 1”, ông Thuyên phát biểu.
Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm rất mạnh trong vòng một năm trở lại đây (từ mức 17-21%/năm xuống còn 11-14%/năm), song dẫn số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Báo Nhân dân) nhận định, khả năng trả lãi vay của doanh nghiệp hầu như không được cải thiện.
Cụ thể, khả năng trả lãi vay (lấy lợi nhuận trước thuế và lãi vay chia cho lãi vay phải trả) đã giảm từ 5 lần trong giai đoạn 2009-2011 xuống còn 3,5 lần trong giai đoạn từ 2012 đến nay.
Theo ông Phong, để vượt qua khó khăn, một mặt doanh nghiệp phải tự nhìn lại mình, cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, vốn, lao động… mặt khác, Nhà nước phải triển khai các chính sách để giảm nhẹ đồng thời cả 3 gánh nặng cho doanh nghiệp: chi phí tài chính (thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất), chi phí vốn (lãi vay vốn ngân hàng) và chi phí hành chính (chi phí tuân thủ thủ tục hành chính).
“Trong đó cần phải giảm ngay và mạnh hơn nữa thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Phong đề xuất.
“Cường quốc kinh tế Nhật Bản cũng rất linh hoạt trong việc áp thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng thường xuyên gặp khó khăn khi kinh tế suy giảm. Người ta không chỉ áp thuế với đối tượng này thấp hơn mức phổ thông mà còn tiếp tục giảm thuế nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn, ngành nghề cần khuyến khích đầu tư. Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi cũng nên nghiên cứu chính sách này”, ông Vũ Xuân Thuyên phát biểu.
Nam Kinh