Cách đây chưa lâu, ngay trên diễn đàn Quốc hội, một vị đại biểu đến từ Hà Nội đã khẳng định rằng, dưới lòng sông “là tài nguyên và nơi đó cũng là một thế giới ngầm phức tạp, có cả xã hội đen, bảo kê, có tội ác”.
Nhận định này là không quá xa sự thật, bởi từ nhiều năm nay, nạn khai thác cát trái, khai thác tràn lan trên các tuyến sông đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ mất an toàn giao thông đường thủy, xói lở bờ bãi, ảnh hưởng xấu đến đê điều đến làm mất an ninh trật tự tại các địa phương.
. |
Nếu không kể các vụ khai thác trái phép thì một lượng lớn tài nguyên cát - vật liệu xây dựng phổ biến nhất đang được lấy từ các dự án nạo vét luồng đường thủy hoặc hàng hải dưới hình thức xã hội hóa kết hợp tận thu sản phẩm.
Do ngân sách nhà nước có hạn nên từ nhiều năm qua, việc nạo vét nhiều tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa được giao cho các nhà đầu tư đảm nhận. Cát, sỏi thu được từ hoạt động nạo vét sẽ được nhà đầu tư tận thu để bù đắp cho phần kinh phí bỏ ra.
Về lý thuyết, hoạt động khai thác tài nguyên này được sự giám sát của nhiều cơ quan, trong đó trực tiếp là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Song do hạn chế về nguồn lực, các cơ quan này chưa giám sát được điều kiện khởi công, tiến độ triển khai thi công, việc bố trí phương tiện, trang thiết bị, nhân lực để thực hiện dự án của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, dưới tác động của kinh tế thị trường, các nhà đầu tư luôn đối đa hóa lợi nhuận trong việc tận thu sản phẩm; nên chỉ quan tâm đến việc nạo vét tại những vị trí có cát, sỏi có thể tận thu; không thực hiện nạo vét luồng theo chuẩn tắc được phê duyệt.
Hiện đa số các nhà đầu tư không đủ năng lực về trang thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa; sau khi ký hợp đồng thực hiện dự án với cơ quan chức năng, các nhà đầu tư đã thuê các chủ phương tiện tự bố trí nhân lực, phương tiện để thực hiện nạo vét, sau đó bán sản phẩm tận thu cho tổ chức, cá nhân ngoài thị trường. Nói một cách thẳng thắn, đây là hình thức bán giấy phép cho các chủ tàu thuyền.
Cơ chế quản lý sơ hở đến mức, hiện các cơ quan chức năng vẫn duy trì quy định cho phép nhà đầu tư đề xuất vị trí nạo vét dẫn đến tình trạng nhà đầu tư chỉ đề xuất dự án nạo vét tại nơi có nhiều tài nguyên nhưng không cần thiết và cấp bách để nạo vét luồng, tuyến và cơ quan nhà nước vẫn chấp thuận (lợi dụng chủ trương nạo vét để khai thác cát).
Sẽ không khó để các cơ quan chức năng sẽ tìm ra các cá nhân đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nếu như kiến nghị của tỉnh này là sự thật. Tuy nhiên, văn bản này của tỉnh Bắc Ninh cần phải được xem là một giọt nước tràn ly, tiếng kêu hối thúc các cơ quan chức năng của Chính phủ có động thái quyết liệt hơn nữa đối với vấn nạn “cát tặc” trên các tuyến sông.
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải sớm đánh giá việc thực hiện các dự án xã hội hóa nạo vét duy tu luồng quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm. Trong giai đoạn này, cần thực hiện nghiêm việc dừng toàn bộ các dự án nạo vét cho đến khi những kẽ hở về cơ chế chính sách để cát tặc lợi dụng, được nhận diện và khắc phục triệt để.