“Chúng tôi quan ngại rằng, mức tăng thuế tài nguyên dù có thấp đến mấy cũng gây tác động tiêu cực đến lợi ích thương mại, đầu tư của cả Việt Nam và nước ngoài.
| ||
Dự kiến tăng thuế tài nguyên vẫn đối mặt với những phản ứng khá gay gắt từ địa phương, doanh nghiệp |
Điều này khiến lợi nhuận của một số dự án khai khoáng của nước ngoài tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể khiến cho 1 dự án khai khoáng lớn phải đóng cửa trong tương lai không xa.
Điều này gây hậu quả trước mắt là nguồn thu ngân sách của địa phương nơi có mỏ khoáng sản bị giảm, ảnh hưởng đến việc tạo việc làm và trái với mục tiêu của việc tăng thuế là tăng thu ngân sách nhà nước”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiết lộ nội dung thư kiến nghị của đại sứ các nước Canada, New Zealand và Australia tại Việt Nam gửi lãnh đạo Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, không chỉ có cơ quan đại diện ngoại giao, mà Tập đoàn Besra (đơn vị đầu tư vào Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn) và UBND các tỉnh có mỏ khoáng sản cũng đề xuất giữ nguyên các mức thuế suất tài nguyên như hiện hành.
Ông Sơn đánh giá rằng, việc Chủ tịch Tập đoàn Besra gửi thư tay tới các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó phân tích, đánh giá, nhận định tất cả các mặt tích cực - tiêu cực đến việc nâng thuế tài nguyên không chỉ cho thấy họ rất quan tâm đến vấn đề này, mà còn thể hiện muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
“Khi đầu tư vài chục triệu USD để xây dựng xong nhà máy, thì thuế tài nguyên lên cao, khiến chúng tôi chỉ biết cố gắng làm để bù đắp mức thuế đã tăng. Nếu vẫn tiếp tục tăng thuế tài nguyên với vàng so với mức 15% hiện nay, chúng tôi sẽ không có đường nào khác là phải tính tới việc đóng cửa”, ông A. Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra cho biết trong thư gửi lãnh đạo Quốc hội.
Trong khi đó, các địa phương cũng không mấy mặn mà với khai thác khoáng sản. Ông Hoàng Văn Khoa, Vụ trưởng Vụ Địa chất khoáng sản (Tổng cục Địa chất khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, một số địa phương có khoáng sản vàng chỉ mong có người đứng ra quản lý và không cần thu lợi gì từ các mỏ này.
Ngay đến cơ quan quản lý tài nguyên cũng đã dừng tiến hành khảo sát, thăm dò vàng, bởi tìm thấy tài nguyên càng khiến tình hình phức tạp hơn, nhất là vấn đề khai thác trái phép của người dân.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã làm việc trực tiếp với đại diện cơ quan ngoại giao nước ngoài, doanh nghiệp, UBND các tỉnh có ý kiến về vấn đề này và đã tiếp thu ý kiến đóng góp trên tinh thần cầu thị.
“Việc tăng thuế tài nguyên sẽ gửi tới cộng đồng đầu tư nước ngoài tín hiệu tiêu cực về môi trường kinh doanh thiếu ổn định, khó dự báo, dự đoán hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Myanmar - hai nước đang cạnh tranh trực tiếp thu hút đầu tư nước ngoài với Việt Nam. Việc này cũng đi ngược lại với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán là tăng cường khuyến khích kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các quốc gia tham gia TPP”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trích thư kiến nghị của Đại sứ Canada, Australia và New Zealand và bày tỏ sự lo ngại rằng, tăng thuế tài nguyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới không chỉ môi trường kinh doanh, mà cả trong đối ngoại, đàm phán các hiệp định kinh tế, trong đó có TPP.
Bảo vệ quan điểm, là quốc gia độc lập, có chủ quyền và có toàn quyền trong quyết định các chính sách kinh tế, chính trị, đối ngoại của mình, trong đó có sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đề xuất của các cơ quan ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến thuế tài nguyên xem việc tăng thuế có lợi gì, bất lợi gì đến thu ngân sách, môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cũng như quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước trên thế giới trên tinh thần lợi ích quốc gia được đặt lên trên hết.
Hàn Tín