Ngân hàng - Bảo hiểm
Cẩn trọng xét duyệt hồ sơ tái cơ cấu, giãn nợ
Thùy Vinh - 14/05/2020 08:27
Với lượng hồ sơ xin tái cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi vay rất lớn, không khó hiểu khi các ngân hàng tiến hành phê duyệt hồ sơ rất kỹ để đề phòng nguy cơ nợ xấu tăng trong thời gian tới.
Trước khi hỗ trợ khách hàng, các tổ chức tín dụng phải xem xét kỹ việc chứng minh thiệt hại của doanh nghiệp do Covid-19 căn cứ vào dòng tiền, doanh thu, kết quả kinh doanh.

Qua khảo sát trên toàn hệ thống, Ngân hàng Eximbank cho biết, số lượng khách hàng có thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 2.221 khách hàng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ (hơn 16.000 tỷ đồng) của Ngân hàng. Đến nay, Eximbank đã và đang thực hiện việc giãn nợ gốc, lãi cho 696 khách hàng, với tổng dư nợ 4.572 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết: “Eximbank xác định, việc tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng song song với công tác ổn định kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của cán bộ, nhân viên và cổ đông là trách nhiệm tiên quyết của Ngân hàng. Chúng tôi sẽ có những kế hoạch hành động phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định và an toàn cho hệ thống của Eximbank”. 

Ngân hàng OCB chấp nhận giảm gần 100 tỷ đồng thu nhập lãi để chia sẻ khó khăn với đối tác, khách hàng bị ảnh hưởng trong mùa dịch. Lượng hồ sơ khách hàng xin tái cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi suất rất lớn, Ngân hàng luôn cẩn trọng trong việc xét duyệt các hồ sơ để tránh rủi ro nợ xấu xảy ra sau này. 

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cơ cấu lại nợ, cho vay mới đối với các khách hàng đối tượng chính sách với dư nợ 3.281 tỷ đồng cho khoảng 125.000 khách hàng.

Kienlongbank cho biết, dư nợ cho vay của Ngân hàng chủ yếu là với hộ kinh doanh và cá nhân, chiếm hơn 74% dư nợ tín dụng, tương đương 25.136 tỷ đồng. Kể từ đầu tháng 3/2020, Ngân hàng đã giảm đến 25% tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày.

Với Vietcombank, do tích cực tiến hành cơ cấu nợ, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nên trong quý I/2020, nợ xấu của Ngân hàng chỉ chiếm tỷ lệ 0,82%, tăng nhẹ so với đầu năm nay. Lý do một phần là trong quý này, Ngân hàng trích lập dự phòng 2.152 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý I của Ngân hàng sụt giảm, đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 11,14% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến ngày 20/4/2020, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tái cơ cấu hơn 63.000 tỷ đồng nợ vay và miễn, giảm lãi vay hơn 12.300 tỷ đồng. Đã có khoảng 168.000 khách hàng được thụ hưởng chương trình này, trong đó 38% là doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước khi hỗ trợ khách hàng, các tổ chức tín dụng phải xem xét kỹ việc chứng minh thiệt hại của doanh nghiệp do Covid-19 căn cứ vào dòng tiền, doanh thu, kết quả kinh doanh. Nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, nghĩa là dưới chuẩn, thì không thể được ngân hàng hỗ trợ. Ông Minh nhấn mạnh, các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn mà chưa được cho vay có thể liên hệ trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3,0% đến cuối năm 2020.

Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của các tổ chức tín dụng yếu kém. Do vậy, việc tăng trích lập dự phòng của các ngân hàng tăng mạnh trong quý I/2020 được cho là một trong những bước chuẩn bị cho việc nợ xấu tăng trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác