Đầu tư Phát triển bền vững
Cần xây dựng khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội
Nhung Bùi - 23/02/2023 22:42
Dù có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội nhưng các Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội (Social Impact Business -.SIB) vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình phát triển kinh doanh.

Tồn tại đến nay đã là năm thứ 6, Vụn Art trở thành mô hình tiêu biểu cho những đóng góp vì cộng đồng. Đúng như tên gọi, từ những mảnh lụa vụn, Vụn Art đã khéo léo sáng tạo ra hàng loạt tác phẩm nghệ thuật trong đời sống hàng ngày như tranh lụa,  áo dài, áo phông, túi đeo,...Đặc biệt hơn, đó là những sản phẩm được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của hàng loạt nghệ nhân khuyết tật.

Sản phẩm của Vụn Art.

Vụn Art chính là một trong những doanh nghiệp được xếp vào nhóm SIB (Social Impact Business)- Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội. Cụ thể, SIB là sự kết hợp giữa mô hình kinh doanh thương mại với mục tiêu tạo tác động tích cực đối với môi trường và xã hội. Việc cân bằng giữa yếu tố kinh doanh và tác động xã hội khiến mô hình này có thể giải quyết các vấn đề về môi trường, xã hội một cách bền vững.

Theo thống kê, vào năm 2018, Việt Nam có khoảng 22.000 doanh nghiệp SIB, chiếm 4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp SIB tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp do người yếu thế làm chủ hoặc làm việc với người yếu thế (phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nhóm đa dạng giới…) vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức để đạt được cả hai mục tiêu: Tạo ra doanh thu, đồng thời tạo ra những tác động tích cực cho xã hội.

Các khó khăn lớn nhất của các SIB thường phải đối mặt là thiếu vốn, thiếu thông tin và thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiếu kiến thức và kỹ năng về quản trị doanh nghiệp. Các SIB cũng chịu những thách thức ngoại cảnh như tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thiếu các đơn vị trung gian hỗ trợ, thiếu sự kết nối của các thành viên trong hệ sinh thái, thiếu nhận thức của xã hội, và hơn hết là thiếu các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước...

Chia sẻ tại hội thảo SIB Connect - Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: “Trong công cuộc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp SIB là thành phần rất quan trọng, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế, vừa tác động đến xã hội và môi trường thông qua đó, tạo việc làm cho các nhóm yếu thế cũng như cung cấp các sản phẩm cho xã hội”.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, chia sẻ tại hội thảo.

Nhận thức được vai trò của các doanh nghiệp SIB, ông Trung cho hay, thời gian qua, Cục Phát triển doanh nghiệp đã tham mưu cơ chế, chính sách để phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả doanh nghiệp SIB.

Trong khi đó, bà Nguyễn Tùng Anh, Phó trưởng phòng triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (Cục Phát triển doanh nghiệp), thừa nhận các chính sách hỗ trợ SIB về vốn và cơ chế đều đã tồn tại, nhưng còn rải rác khắp nơi. Ví dụ trong luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã có những quy định chung hỗ trợ về thị trường, tiếp cận pháp lý, mặt bằng, cấp bù lãi suất 2%,…Hay như trong luật đấu thầu, các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đấu thầu nếu có từ 25% lao động nữ trở lên, 25% lao động là người khuyết tật,…

Bản thân Cục Phát triển doanh nghiệp đã tích cực hỗ trợ thông qua kênh thông tin quốc gia https://business.gov.vn.

Bà Tùng Anh cho biết trong năm 2023, Cục Phát triển doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ SIB trên các lĩnh vực sau:

1. Hỗ trợ công nghệ (gồm tư vấn giải pháp, thuê mua giải pháp chuyển đổi số), tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn chuyển giao công nghệ

2. Hỗ trợ đào tạo: khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, đào tạo tại doanh nghiệp

3. Hỗ trợ tư vấn: tài chính, nhân sự, sản xuất, thị trường...

4. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo: lên sàn thương mại điện tử trong nước, quốc tế; tư vấn chuyển giao công nghệ; tư vấn sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo huấn luyện chuyên sâu...

5. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị: đào tạo chuyên sâu; tư vấn nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng...

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất xây dựng chính sách “sand box”, một dạng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho doanh nghiệp SIB, trong đó tạo không gian thuận lợi với khung chính sách riêng, tiến hành trong một phạm vi và thời gian cụ thể, qua đó giúp các doanh nghiệp SIB có cơ hội phát huy hết tiềm năng của mình.

Tin liên quan
Tin khác