Doanh nhân Đinh Thị Hảo, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Đà Bắc CBT |
Tròn 10 năm cùng người dân làm du lịch cộng đồng
Sở hữu làn da nâu, mái tóc cắt ngắn năng động, nụ cười tươi như nắng hè, vóc dáng rắn rỏi như một cô thôn nữ miền sớn cước, thoạt nhìn, Hảo giống như một người dân bản địa ở Đà Bắc, nhưng kỳ thực, cô sinh ra tại Hà Nam. Hảo đã gắn bó với du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương trên cả nước tròn 10 năm.
Riêng với vùng núi ven hồ sông Đà này, khắp các ngõ ngách đều ghi dấu chân của Hảo. Cô trèo núi, leo dốc, ăn cùng dân, ngủ cùng dân, tìm hiểu, thuyết phục từng hộ tham gia dự án du lịch cộng đồng trên lòng hồ sông Đà. Cô còn động viên họ trang bị thêm vật dụng, thiết bị, thậm chí sửa lại nhà và công trình phụ đạt chuẩn homestay (loại hình dịch vụ lưu trú tại nhà người dân bản địa); tận tình hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình nghiệp vụ bếp, buồng phòng, vệ sinh…, đặc biệt là hỗ trợ tìm kiếm, quảng bá và kết nối thị trường, đưa khách du lịch về các điểm du lịch cộng đồng.
Đó là cả một chặng đường dài đầy gian nan, thách thức, nhưng Hảo đã thành công. Ngày càng có nhiều du khách biết và đến với những xóm, bản này. Thời điểm trước Covid-19, xóm Sưng (xã
Cao Sơn) lúc nào cũng kín khách nước ngoài. Xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Mó Hém và xóm Đá Bia (xã Tiền Phong) đã đón những đoàn khách trong và ngoài nước, dù chưa nhiều, nhưng khá đều. Người dân trước đây chỉ có thu nhập từ làm nông, không ổn định, nay đã có thêm nguồn sinh kế từ các hoạt động và dịch vụ du lịch như hướng dẫn viên; chở khách; biểu diễn văn nghệ; nuôi tôm, cá cho khách trải nghiệm và phục vụ ăn uống…
Mười năm gắn bó keo sơn cùng người dân làm du lịch cộng đồng, giúp “đào ao thả cá” rồi “trao cần câu”, Hảo đã trở thành người thân trong gia đình các hộ dân ở Đà Bắc.
Hướng ánh mắt về những ngôi nhà sàn xinh đẹp bên sườn đồi nhìn ra lòng hồ, Hảo chia sẻ, Đà Bắc là một huyện vùng cao nghèo nhất của tỉnh Hoà Bình với các nhóm dân tộc chính là Tày, Mường, Dao, Kinh và Thái. Thu nhập bình quân đầu người của huyện thấp, khoảng 14,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ nghèo theo tiêu chí mới của Việt Nam năm 2013 là 54,52%. Sinh kế của người dân chủ yếu từ cây lâm nghiệp, diện tích canh tác lúa của huyện khá hạn chế. Tại nhiều xã, người dân gặp khó khăn trong việc đảm bảo lương thực do thiếu đất canh tác. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra cho các lãnh đạo và người dân địa phương là tìm ra các phương án sinh kế bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế để gia tăng thu nhập cho người dân.
“Địa chỉ đỏ” của các tour trải nghiệm
Tốt nghiệp Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Trường đại học Nông nghiệp) năm 2012, trải qua nhiều vòng ứng tuyển, Đinh Thị Hảo trở thành cán bộ Ban Quản lý dự án của tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP), Australia. AOP triển khai 2 hoạt động chính tại Đà Bắc là tạo sinh kế cho người dân và tư vấn, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Hảo gắn bó với Đà Bắc từ đó.
Khi mới triển khai mô hình du lịch cộng đồng vào năm 2014, AOP hỗ trợ xóm Đá Bia (xã Tiền Phong) và xóm Ké (xã Hiền Lương) xây dựng điểm du lịch cộng đồng bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn tu sửa nhà cửa thành nhà lưu trú, tập huấn kỹ năng đón tiếp khách du lịch.
Thời gian đầu, tại 2 xóm này chỉ có 4 hộ làm homestay. Đến nay, sau hơn 7 năm triển khai mô hình, tổ nhóm cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng tại 4 xóm đã được hình thành, triển khai và sẽ tiếp tục thu hút thêm các hộ dân trong cộng đồng tham gia. Hiện nay, đã có hơn 180 thành viên của 142 hộ tại 4 xóm tham gia vào các tổ nhóm hoạt động du lịch cộng đồng, như: đội văn nghệ; tổ hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm; tổ thổ cẩm, đan lát; tổ chăn nuôi, trồng trọt.
“Hạnh phúc của tôi nhiều khi chỉ đơn giản là được nhìn thấy bà con Đà Bắc cười tươi, bập bẹ vài câu tiếng Anh để đón khách Tây”, Hảo nói.
“Đây là lực lượng lao động gián tiếp, nhưng góp phần quyết định hiệu quả của điểm du lịch và uy tín của các hộ làm homestay, bởi mô hình du lịch cộng đồng là cả cộng đồng đều tham gia và hưởng lợi”, Hảo nói.
So với các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và các địa phương khác, Đà Bắc triển khai sau, nhưng đã nhanh chóng xây dựng được thương hiệu, trở thành “địa chỉ đỏ” của các tour du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, nơi du khách “đã đến thì chẳng muốn đi; đi rồi, mong ngày trở lại”.
Hảo chia sẻ, AOP luôn quan tâm đến bảo tồn văn hóa địa phương trong xây dựng, thiết kế sản phẩm du lịch, ưu tiên khai thác các hoạt động, sản phẩm sẵn có. Chẳng hạn, đến xóm Đá Bia, du khách sẽ được trải nghiệm nấu ăn cùng chủ homestay, được đi tắm suối, bơi bè mảng, leo núi, đi kéo vó, thả rọ tôm, đêm ngủ trên sàn gỗ ván ghép, nghe gió từ mặt hồ thổi vi vút như tiếng nhạc rừng…
Đặc biệt, trên đường vào xóm Đá Bia có nhiều quán bán hàng “tự giác”. Từ nải chuối, quả bưởi, đu đủ, mớ măng, mớ rau, măng khô, mật ong, đến cá nướng, trứng gà… đều là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của đồng bào. Sản phẩm được bày trên sạp nứa hoặc cái nong. Khách cần thứ gì tự xem giá ghi trên vách, rồi bỏ tiền vào giỏ treo trên cột. Phong tục này có từ xa xưa, một văn hóa độc đáo chỉ có người Mường Ạu Tá mới có, được bảo tồn và phát triển. Năm 2019, điểm du lịch cộng đồng xóm Đá Bia là một trong 3 mô hình trên cả nước được Tổng cục Du lịch Việt Nam trao Giải thưởng ASEAN về hạng mục du lịch cộng đồng.
Năm 2018, Hảo thành lập Doanh nghiệp xã hội Du lịch cộng đồng Đà Bắc (Đà Bắc CBT), đối tác hỗ trợ và đồng hành với AOP trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động và là “cánh tay nối dài” của AOP trong việc quản lý dự án du lịch cộng đồng. Với cộng đồng, Đà Bắc CBT vừa là đối tác, vừa là bên giám sát chất lượng dịch vụ và là đại diện trong việc ký kết với các công ty lữ hành.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Doanh nghiệp xã hội Đà Bắc CBT đã thu hút được 10.313 lượt khách (36% là khách nội địa, 64% khách quốc tế) về trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Đà Bắc. Lượng khách du lịch hàng năm ngày càng tăng. Đặc biệt, Đà Bắc CBT đã ký kết hợp tác với một số công ty du lịch như Intrepid Việt Nam, EXO Travel, Learning Project, các doanh nghiệp xã hội khác..., giúp gia tăng đáng kể nguồn khách nước ngoài.
Khát khao góp sức giúp du lịch cộng đồng Việt lớn mạnh
Hơn 10 năm lăn lộn, xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại huyện Đà Bắc, Hảo đúc kết, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tính đoàn kết của cộng đồng là đòn bẩy cho du lịch cộng đồng phát triển. Loại hình du lịch này đem lại nhiều lợi ích thiết thực cả về đời sống kinh tế và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Đà Bắc. Đó là, tạo việc làm, giúp thu nhập của người dân ngày càng tăng, từng bước phá thế thuần nông, tập quán canh tác tự cung, tự cấp của đồng bào.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch tại Đà Bắc khiến Hảo trăn trở. Lượng khách đến các điểm du lịch cộng đồng giảm 70 - 80%, khiến người dân tại các xóm du lịch phải quay lại với sinh kế truyền thống. Ước tính, tổng doanh thu của Đà Bắc CBT giảm khoảng 3 tỷ đồng.
Mất đi nguồn thu nhập từ hoạt động du lịch, cùng việc ảnh hưởng nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp giảm do dịch bệnh đã khiến nhiều gia đình gặp khó khăn. Nhiều thanh niên đã rời xóm đi tìm việc ở các khu công nghiệp. Ít nhất 15 thành viên của các tổ, nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, trong đó có 4 người là chủ homestay đã đi làm ở các khu công nghiệp.
Từ tháng 4/2020, AOP và các đối tác địa phương đã khảo sát, đánh giá tác động của Covid-19 để tìm cách hỗ trợ cộng đồng. AOP đã điều chỉnh kế hoạch dự án để giúp cộng đồng khắc phục ảnh hưởng của dịch và thích ứng với bối cảnh mới. Các nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng được giảm thiểu thông qua hoạt động truyền thông, điều chỉnh cách thức tổ chức các khóa tập huấn, cung cấp trang thiết bị phòng bệnh… Ban Quản lý dự án AOP huyện Đà Bắc đã lùi thời hạn trả nợ cho thành viên các nhóm kinh doanh và sinh kế. Doanh nghiệp xã hội Đà Bắc CBT cũng nỗ lực triển khai các chiến dịch quảng bá, đa dạng hóa khách hàng tiềm năng cho du lịch cộng đồng.
Hiện nay, khi du lịch đã trở lại trạng thái bình thường mới, các bản du lịch ở Đà Bắc bắt đầu hoạt động trở lại.
Từ thành công của mô hình du lịch cộng đồng ở Đà Bắc, AOP đã nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng ra các địa phương khác như Xuân Sơn (Phú Thọ), Ngọc Chiến và Mường La (Sơn La) từ năm 2017; Điện Biên từ năm 2018; Mộc Châu và Vân Hồ (Sơn La), Tân Lạc (Hòa Bình) từ năm 2019 và định hướng sẽ nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, bền vững tại nhiều tỉnh, thành phố.
Song hành với các hoạt động của AOP, Hảo cũng có kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Đà Bắc CBT ở các địa phương khác trong thời gian tới. Đồng thời, mở rộng chuyển đổi mô hình kinh doanh, bổ sung các dịch vụ tư vấn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Để thực hiện kế hoạch này, Hảo đang củng cố bộ máy, nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
“Tôi hạnh phúc vì được góp một phần nhỏ bé thay đổi cuộc sống của bà con. Tôi khát khao mô hình du lịch cộng đồng ở Việt Nam phát triển bền vững hơn, gắn liền với cuộc sống của người dân địa phương và dần dần trao quyền cho chính cộng đồng để họ chủ động phát triển, nâng cao năng lực, thu nhập cho chính mình”, Hảo trải lòng. Cô mong muốn các cấp chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và người dân liên kết, gắn bó nhiều hơn để tạo ra những giá trị to lớn hơn cho cộng đồng, đất nước.