Có nhiều tín hiệu cho thấy tỷ lệ cổ phần mà nhà nước nắm giữ tại cảng Sài Gòn sẽ được giảm đi trong thời gian tới. |
Trong phiên đấu giá sáng nay của Cảng Sài Gòn đã có 39 nhà đầu tư trúng giá, trong đó 36 cá nhân và 3 tổ chức. Khối lượng đặt mua cao nhất là 35,7 triệu cổ phần được thực hiện bởi Công ty CP Chứng Khoán Đông Nam Á (SeASecurities) tại mức giá 11.500 đồng/cp. Mức giá đấu thành công cao nhất là 22.500 đồng/cp nhưng chỉ ở mức khối lượng 300 cp.
Theo phương án vừa được phê duyệt, vốn điều lệ dự kiến của cảng Sài Gòn sau cổ phần hóa là 2.162 tỷ đồng với tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước là 64%. Lượng đấu công khai là 35.706.628 cổ phần, tương đương 16,51% vốn điều lệ dự kiến. Một lượng tương đương số cổ phần đấu giá sẽ chào bán cho cổ đông chiến lược và 3% còn lại chào bán ưu đãi cho nhân viên công ty và công đoàn.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2014, Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị thực tế của cảng Sài Gòn được xác định là 3.955,2 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 2.162,9 tỷ đồng.
Trong số các tài sản đang dùng của Cảng Sài Gòn trị giá 3.995,2 tỷ đồng có 3.336,7 tỷ đồng tài sản cố định và đầu tư dài hạn; 370,9 tỷ đồng tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn; 0,998 tỷ đồng là giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp; 246,532 tỷ đồng giá trị quyền sử dụng đất.
Được biết, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Cảng Sài Gòn đã đối chiếu được 98,21% các khoản công nợ phải thu và 92% các khoản công nợ phải trả.
Trên thực tế, có nhiều tín hiệu cho thấy tỷ lệ cổ phần mà nhà nước nắm giữ tại cảng Sài Gòn sẽ được giảm đi trong thời gian tới. Vào tháng 3/2015, trong quá trình đàm phán với Vingroup, Vinalines cho biết là nếu Vingroup vẫn tiếp tục muốn nắm giữ cổ phần ở mức tối đa thì có thể tham gia đấu giá khi cảng Sài Gòn IPO. Sau khi IPO, nếu Thủ tướng Chính phủ cho phép Vingroup được mua cổ phần với tỷ lệ vượt quá quy định hiện hành thì họ sẽ được mua số cổ phần bán cho nhà chiến lược (nếu như không có nhà đầu tư chiến lược mua) và mua tiếp phần vốn nhà nước khi thoái vốn.