Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương hứng chịu phiên lao dốc ngày đầu tuần 6/1. Ảnh: AFP |
Thị trường Nhật Bản mở phiên sáng 6/1 giảm sâu với chỉ số Nikkei 225 mất 1,85% còn Topix trượt 1,48%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm nhẹ hơn với 0,83%.
Chỉ số ASX 200 của Australia sụt giảm 0,72% khi hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đi xuống. Chỉ số riêng biệt tài chính “bay” 1,28% do cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Australia đồng loạt trượt dốc, trong khi đó nhóm cổ phiếu ngành năng lượng tăng 0,78%.
Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu Mỹ dự báo hôm nay 6/1 có phiên giao dịch đi xuống sau khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 113 điểm cuối tuần trước.
Căng thẳng toàn cầu leo thang cuối tuần trước sau Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn phương án cực đoan nhất khi thẳng tay diệt tướng quyền lực nhất của Iran Qassim Suleimani. Động thái này làm dấy lên lo ngại về sự trả đũa của lực lượng Iran.
Chính quyền Iran hôm 5/1 cho biết họ sẽ không tuân thủ các giới hạn làm giàu uranium trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Mỹ đã đơn phương rút khỏi năm 2018.
Giá dầu hôm 3/1 vọt tăng 3% do lo ngại xung đột giữa Mỹ và Iran có thể làm gián đoạn sản xuất năng lượng trong khu vực.
Giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trên thị trường châu Á sáng nay tăng 1,35% lên 63,90 USD/thùng trong khi giá dầu Brent quốc tế vọt lên 1,69% và giao dịch 69,76 USD/thùng.
“Căng thẳng địa chính trị có vẻ sẽ tăng nhiệt trong những ngày tới, do đó rất cần các biện pháp hỗ trợ cho vay để bình ổn giá dầu và thị trường tài sản rủi ro, bao gồm tiền tệ”, ông Ray Attrill, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) nhận định.
Trên thị trường tiền tệ, đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt nhẹ từ 96,873 thiết lập trước đó về 96,835. Đồng yên Nhật Bản suy yếu và giao dịch ở mức 108,03 JPY/USD, còn đô la Australia mạnh lên và trao tay 1 AUD “ăn” 0,6950 USD.